Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực tế: "Càng có tem càng không phải rượu chính phẩm, rượu thật, giờ người ta toàn uống rượu không tem”.
Chiều nay, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 7 bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cho các DN.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nêu hàng loạt vướng mắc của các DN cần các bộ ngành đưa ra giải pháp, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến kinh doanh bia rượu.
Không đặt vấn đề không quản lý được thì cấm
Cụ thể, các DN kiến nghị xem xét bãi bỏ quy định cấm bán rượu trên internet tại Nghị định 105/2017 về kinh doanh rượu và điều 20 của dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã trình QH.
Theo Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, việc cho phép bán rượu trên internet giúp cho việc kiểm soát tiêu thụ rượu trên thị trường tốt hơn, hạn chế người chưa đủ tuổi, giáo dục và cung cấp các thông tin về sản phẩm, ngăn chặn việc kinh doanh các sản phẩm bất hợp pháp, tăng thu ngân sách.
Mặt khác nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Anh và Mỹ cũng như ở khu vực châu Á như: Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore… đều cho phép bán rượu trên internet.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, ý kiến của hiệp hội trùng với ý kiến của Eurocham, nếu cho phép bán trên internet thì dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm soát bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trên mạng điện tử đang rất khó khăn. Kiểm soát thương mại điện tử đang còn bất cập cả về văn bản pháp quy và chế tài.
“Nếu trường hợp QH thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu, bia mà bỏ điều khoản này trong dự thảo thì sẽ sửa Nghị định 105. Chúng tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục xây dựng chương trình kiểm soát bán rượu trên internet để kiểm soát được thực sự”, Thứ trưởng Công thương nói.
Theo ông, mua bán rượn trên mạng thì cả tên người bán, tuổi của người mua đều ảo, không có gì chứng minh người/tổ chức đăng ký trên mạng là thật, đó là bất cập và cần có chính sách kiểm soát.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì, Chính phủ đang trình QH cho ý kiến thông qua. Hiện QH đang xem xét về nội dung này, Tổ công tác ghi nhận ý kiến của hiệp hội.
“Chúng tôi sẽ tham gia theo hướng làm sao thuận lợi nhưng vẫn quản lý được, không đặt vấn đề không quản lý được thì cấm”, ông nói.
Rượu càng có tem càng không phải rượu thật
Hiệp hội Bia – Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng đề nghị xem xét bãi bỏ yêu cầu về giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ đối với các cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, làng du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch) đã được công nhận xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp khi có kinh doanh rượu tiêu dùng tại chỗ ở các địa điểm thuộc cơ sở lưu trú du lịch.
Theo lý giải của hiệp hội, luật Du lịch 2005 có quy định những trường hợp này không cần phải có giấy phép kinh doanh đối với từng hàng hóa, dịch vụ, nhưng phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện.
Tuy nhiên, luật Du lịch 2017 không đề cập đến vấn đề này. Nghị định 105 quy định các DN vẫn phải xin giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, mục đích của giấy phép chủ yếu là để kiểm soát nguồn gốc rượu, DN cam kết nguồn gốc rượu không đảm bảo tiêu chuẩn không được đưa vào hệ thống của họ. Trong thời gian tới, các giấy phép liên quan đến kinh doanh rượu sẽ được rà lại
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng liền hỏi: "Rà lại theo hướng nào?".
Thứ trưởng Công thương cho hay, với quy định này, cơ sở lưu trú nếu chỉ thông báo hợp đồng ký kết với các cơ sở kinh doanh rượu hoặc nguồn gốc là hợp lý. Tuy nhiên, quan trọng là họ phải cam kết chỉ bán những loại trong hợp đồng và cơ sở rượu có nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
"Tôi nghĩ trong hồ sơ phải có cam kết là rượu có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đó là điều quan trọng số 1, hợp đồng cung ứng rượu chỉ là một phần của các cam kết”, Thứ trưởng Công thương nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng, xếp sao là đã được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật. Quy định vẫn phải có giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ, nghĩa là cơ sở này phải đi xin cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy phép này, hay nói cách khác, phải đến Sở Công Thương của địa phương xin giấy phép.
Tuy nhiên, Thứ trưởng An giải thích rằng, đánh giá xếp hạng sao liên quan đến chất lượng dịch vụ, còn kiểm soát hàng hóa tiêu thụ, trong đó có mặt hàng rượu là vấn đề khác.
“Có 1 sao hay 5 sao, không có lý gì người ta không bán rượu lậu. Đây là tôi nói thật, dùng cái gì để kiểm soát là không bán rượu lậu, thì cam kết của cơ sở đó rất quan trọng”, Thứ trưởng Công thương nêu thực tế bán rượu mang lại lợi nhuận tương đối lớn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng nên quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, DN chỉ thông báo thay vì phải xin giấy phép.
“Tôi ở địa phương tôi biết rất rõ, không ai kiểm tra được gì cả. Càng có tem càng không phải rượu chính phẩm, rượu thật, mà giờ người ta uống rượu không tem”, ông nêu thực tế và lưu ý làm sao để vẫn kiểm tra, kiểm soát được nhưng giảm bớt thủ tục cho DN.
Thu Hằng (Vietnamnet)