Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và những yếu kém,bất cập trong lĩnh vực xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là một trong 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ là người trả lời hàng loạt các vấn đề đang tồn tại, gây bức xúc trong dư luận của ngành xây dựng vào chiều ngày mai (4/6). Với những yếu kém trong lĩnh vực xây dựng, ông Hà là một trong 5 bộ trưởng có phiếu tín nhiệm thấp nhất tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV.
Theo kế hoạch của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước theo dõi trong 2,5 ngày (từ 4/6 đến sáng 6/6). Trong đó, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà là người trả lời chính về quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ ngành ra khỏi nội đô TP. Hà Nội.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ đăng đàn Quốc hội trả lời những vấn đề nóng của ngành trong chiều ngày 4/6. (ảnh quochoi.vn)
Quy hoạch bị điều chỉnh tuỳ tiện gây bức xúc
Có thể thấy, một trong những vấn đề “nóng” hiện nay của ngành xây dựng là công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị. Báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện cả nước có 1.390 dự án có điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Các điều chỉnh chủ yếu là tăng số lượng tầng cao thêm, tăng diện tích sàn thương mại, bổ sung nhà ở. Trong khi đó giảm diện tích đất dành cho công cộng, giảm đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật. Các điều chỉnh khác quy hoạch ban đầu này làm ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật, giao thông, lợi ích chung của người dân.
Ngoài ra, việc ban hành quy chế quản lý kiến trúc còn chậm, ảnh hưởng công tác quy hoạch. Nhiều địa phương còn chậm phê duyệt các quy hoạch phân khu. Tỷ lệ quy hoạch chi tiết mới 37% so với tổng số đất đô thị quy hoạch. Tình trạng xây dựng chưa tuân thủ quy hoạch kiến trúc còn phổ biến, trong khi việc quản lý chưa đồng bộ.
Việc xây dựng các công trình cao tầng co cụm vào trung tâm. Theo tính toán 80% cao tầng nằm trong nội đô Hà Nội, trong đó chưa kết hợp hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, điều chỉnh một số dự án chưa bám sát định hướng quy hoạch chung.
 
Mật độ xây dựng cao tầng trong nội đô dày đặc đang gây áp lực cho hạ tầng giao thông. 
Qua công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã xác định được một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo chưa cao, nhiều chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt và thực tế thực hiện có sự khác biệt lớn. Còn bị động trong việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất.
Quốc hội chỉ ra trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính quyền địa phương… Đáng chú ý là Bộ Xây dựng chưa thường xuyên kiểm tra thực hiện pháp luật tại các đô thị, các địa phương.
Thực tế, nhiều dự án bất động sản muốn điều chỉnh quy hoạch để nâng tầng hoặc 'nhồi' thêm cao ốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cư dân. Điển hình như mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn ở quận Tây Hồ (Hà Nội) một lần nữa bùng phát khi người dân mới đây lại xuống đường phản đối dự án chậm cấp sổ đỏ và điều chỉnh quy hoạch để "nhồi" thêm cao ốc và bệnh viện. 
 
Cư dân Khu Đoàn ngoại giao phản đối việc điều chỉnh quy hoạch. 
Hay, hàng trăm hộ dân Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy đã lên tiếng phản đối đề xuất của Vinaconex muốn xây cao ốc 18 tầng làm văn phòng trên khu đất trước đây được phê duyệt trở thành trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ với chiều cao trung bình 2,81 tầng.
Mới đây, chủ trương cho xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại tại công viên Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, hàng trăm cư dân cùng đại diện ban quản trị, tổ dân phố các tòa nhà tại khu đô thị mới Dịch Vọng cũng đã treo băng rôn phản đối quyết liệt.
Dư luận đang chờ câu trả lời về nguyên nhân, giải pháp hạn chế và xử lý những vấn đề liên quan đến quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Bùng nổ tranh chấp chung cư chưa dừng lại
Vấn đề tranh chấp chung cư không phải vấn đề mới trên thị trường bất động sản. Nhưng thời gian gần đây, số lượng chung cư được đưa vào vận hành ngày càng nhiều, thì các vụ tranh chấp cũng gia tăng và và có chiều hướng phức tạp hơn.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo của 43 địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ cho thấy có trên 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp. Trong số này có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án.
 
Cư dân căng băng rôn đòi chủ tư trả sổ đỏ và quỹ bảo trì đang chiếm dụng nhiều năm
Phần lớn vụ việc từ các nguyên nhân như sử dụng sai quy định phần diện tích chung, cơi nới và thay đổi công năng một phần diện tích không theo quy hoạch; vi phạm quy định về sử dụng quỹ bảo trì, chi phí vận hành quản lý tòa nhà, tổ chức hội nghị dân cư lần đầu, hay vi phạm tiến độ xây dựng và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà…
Thực tế, nhiều chung cư ở trong Nam ngoài Bắc còn nhiều cư dân căng băng rôn bức xúc về trong những tranh chấp chung cư trên. Trong lần “đăng đàn” này, Tư lệnh ngành Xây dựng có những giải pháp giải quyết dứt điểm những vấn đề này như thế nào? Để xảy ra bất cập trong quản lý chung cư kéo dài trong quản lý chung cư, Bộ Xây dựng có trách nhiệm như thế nào?
Pháp lý cho condotel, chờ đến bao giờ?
Thị trường condotel xuất hiện cách đây 4 - 5 năm, bùng nổ trong năm 2017, trong đó riêng tỉnh Khánh Hòa tung ra thị trường gần 11.900 căn hộ du lịch (condotel) ,chiếm 52% căn hộ khách sạn của cả nước. Kế đến là Bình Thuận 15%, Đà Nẵng 13%... ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành kinh tế không khói.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2018, phân khúc condotel chững lại do còn thiếu quy định pháp lý liên quan loại hình bất động sản này. Đến thời điểm hiện tại, số phận loại hình bất động sản này vẫn bỏ ngỏ khiến không ít khách hàng đã mua tỏ ra lo lắng vì không biết bao giờ mới có “sổ đỏ”.
 
Condotel vẫn bơ vơ chờ căn cứ pháp lý. 
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục có những chỉ đạo, yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản liên quan đến phát triển và quản lý các loại hình bất động sản mới: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)… báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ban hành quy chế quản lý, vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel), hoàn thành trong quý 3/2019.
Và nhiều hội thảo bàn về tính pháp lý cho condotel được diễn ra. Nhiều kiến nghị đã được đặt lên bàn của lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, vấn đề pháp lý cho "đứa con lai" condotel vẫn chưa được giải quyết. Chắc chắn dư luận và ĐBQH đang quan tâm những vấn đề này đã được Bộ Xây dựng thực hiện thế nào?
Di dời trụ sở bộ ngành ra khỏi nội đô vẫn dậm chân tại chỗ
Kế hoạch di dời trụ sở các Bộ, ngành khỏi trung tâm đã được đề ra từ nhiều năm trước và một số Bộ, ngành đã chuyển về trụ sở mới ở phía Tây thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh vướng mắc về nguồn vốn để triển khai thì một trong những vấn đề khiến việc di dời chậm trễ là dù được cấp đất xây trụ sở mới, nhưng các bộ ngành không bàn giao lại cơ sở cũ nằm trong quận trung tâm thủ đô.
 
Nhiều bộ ngành đã di dời nhưng vẫn tiếp tục giữ trụ sở cũ. 
Đáng nói, tình trạng “có mới” nhưng không “nới cũ” cũng xảy ra đối với các trụ sở làm việc của một số bộ, ngành trung ương sau di dời. Theo đó, trong 9 cơ quan đã được bố trí đất, chuyển trụ sở (gồm các bộ: Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc) thì 7 đơn vị vẫn tiếp tục giữ trụ sở cũ, trong đó có các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ… hoặc bàn giao cho cơ quan trung ương quản lý; 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng... Như vậy, đến nay Hà Nội vẫn chưa thu hồi được khu đất nào từ các bộ, ngành để xây dựng các công trình công cộng.
Hiện, nguyên nhân của việc chậm triển khai các dự án di dời, ngoài nguyên nhân các bộ, ngành có thể do nhiều chức năng. Nhưng dư luận đang đặt ra nghi vấn về năng lực cho các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng khi được giao đang xây dựng và hoàn thiện phương án triển khai quy hoạch trụ sở 13 bộ ngành sau khi di dời.
Ông Phạm Hồng Hà đứng trong tốp 5 Bộ trưởng có phiếu tín nhiệm cao thấp nhất
Chiều ngày 25/10/2018, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh theo thứ tự các khối: Chủ tịch nước; Quốc hội; Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên, tốp 5 Bộ trưởng có số phiếu “tín nhiệm cao” thấp nhất theo thứ tự là: Bộ Giáo dục - Đào tạo (140 phiếu) ; Bộ Giao thông và Vận tải (142 phiếu); Bộ Văn hóa – thể thao và Du lịch (148 phiếu); Bộ Nội vụ (157 phiếu); Bộ Xây dựng (159 phiếu).
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chỉ đạt 159 phiếu tín nhiệm cao, 226 phiếu tín nhiệm nhưng có tới 89 phiếu tín nhiệm thấp. Với số phiếu tín nhiệm thấp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cao thứ 4 trong tổng 48 chức danh lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Trần Kháng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm