Xã hội

Bộ Y tế đề xuất kiểm soát quảng cáo bia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở những nước cấm quảng cáo cả bia và rượu thấp hơn 11% và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 23% so với nước chỉ cấm quảng cáo rượu.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thống kê cho thấy, mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm (5 năm trước chỉ 3,8 lít). Tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia thuộc dạng cao nhất thế giới và ngày càng tăng với cả hai giới. Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt tiêu thụ 7 lít cồn một năm. Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, về tiêu thụ rượu bia, Việt Nam đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Đặc biệt, tốc độ gia tăng sử dụng là đáng lo ngại khi chỉ 15 năm, Việt Nam tăng tới 74%. Người trẻ tuổi uống rượu bia đang gia tăng, trong đó tuổi vị thành niên, thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm.

Tại hội thảo, “nóng” nhất là nội dung liên quan đến vấn đề cấm quảng cáo bia của Bộ Y tế. Các doanh nghiệp đặt vấn đề: Luật Quảng cáo không cấm quảng cáo bia. Vậy Dự thảo luật đưa nội dung cấm quảng cáo bia có đúng không? Theo bà Trang, Dự thảo Luật hiện nay chỉ đề xuất hạn chế/kiểm soát quảng cáo bia chứ không cấm hoàn toàn quảng cáo bia. Trên phương diện quốc tế, chiến lược toàn cầu giảm sử dụng chất có cồn ở mức có hại do Đại hội đồng Y tế thế giới thông qua năm 2010 đã đưa ra các giải pháp kiểm soát đồ uống có cồn bao gồm biện pháp kiểm soát quảng cáo, tiếp thị mọi loại đồ uống có cồn bao gồm cả rượu và bia. Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát quảng cáo bia (cấm hoàn toàn, hoặc hạn chế một phần) cũng đã được áp dụng ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Cụ thể, quy định hạn chế quảng cáo bia trên các kênh truyền hình, báo/tạp chí, internet, mạng xã hội đã được nhiều quốc gia áp dụng.

Tại hội thảo, đại diện một doanh nghiệp sản xuất bia cho rằng, việc cấm quảng cáo và tài trợ đồ uống có cồn không có tác dụng giảm thiểu lạm dụng đồ uống có cồn mà còn dẫn tới thiệt hại cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Trang cho rằng, mức thuế mà ngành rượu bia đóng góp là rất nhỏ nếu so sánh với những tổn thất kinh tế liên quan đến sức khỏe (chi phí điều trị và khắc phục hậu quả do tử vong sớm hay mất khả năng lao động do tàn tật... ), tổn thất do bị xói mòn về văn hóa, lối sống, đạo đức và chất lượng giống nòi có nguyên nhân từ lạm dụng rượu bia. Thống kê của Tổ chức y tế thế giới cũng cho thấy phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% - 12% GDP của mỗi quốc gia.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định: Tổ chức y tế thế giới đã xác định không có ngưỡng an toàn của sử dụng rượu bia thì không thể có ngưỡng cho sự “lạm dụng”. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Phòng chống Ung thư quốc tế, sử dụng rượu bia dù ít vẫn có mối liên quan với nhiều loại ung thư: vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng...

Thái Hà/tienphong

Có thể bạn quan tâm