TN - Đất & Người

Bồi thường tài nguyên rừng tại Lâm Đồng - không dễ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang tích cực thực hiện Kết luận thanh tra số 929 (ngày 12.6.2020) của Thanh tra Chính phủ về chấp hành nghĩa vụ tài chính về thuê rừng, bồi thường tài nguyên rừng. Tuy nhiên, việc bồi thường tài nguyên rừng nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc không dễ xử lý.
 
Thời gian qua, tại Lâm Đồng xảy ra nhiều vụ phá rừng thông. Ảnh: Thế Yên
74 cán bộ, công chức bị kỷ luật
Từ 2005 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thu hút 488 dự án/473 doanh nghiệp có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; có quyết định thu hồi 200 dự án/31.760ha (gồm 164 dự án thu hồi toàn bộ/27.521ha và 36 dự án thu hồi một phần/4.209ha) do không triển khai thực hiện dự án hoặc triển khai chậm tiến độ, không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên diện tích được thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn.
Toàn tỉnh hiện còn 324 dự án/309 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất, thuê rừng để đầu tư triển khai dự án, với tổng diện tích là 52.859ha (đã trừ diện tích thu hồi một phần). Tính đến tháng 12.2020, toàn tỉnh có 128 dự án (128 dự án/128 doanh nghiệp) phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng do để mất rừng (1.959ha) với tổng số tiền hơn 335 tỉ đồng (đã thực hiện đóng tiền hơn 50 tỉ đồng, trong đó giá trị lâm sản 102 hơn tỉ đồng, giá trị môi trường hơn 233 tỉ đồng); còn lại chưa thực hiện hơn 284 tỉ đồng). Trong 128 dự án nêu trên, có 35 dự án đã bị thu hồi toàn bộ dự án với số tiền hơn 90 tỉ đồng.
Theo Phụ lục 06, Kết luận thanh tra số 929 của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2013 - 2018 có 82 doanh nghiệp chưa thu được tiền bồi thường tài nguyên rừng do để rừng bị phá, bị lấn chiếm với tổng số tiền hơn 241 tỉ đồng.
Qua rà soát, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Lâm Đồng xác định trong danh sách tại Phụ lục 06, tổng số tiền hơn 223 tỉ đồng có 21 doanh nghiệp là đền bù giá trị lâm sản với số tiền hơn 20 tỉ đồng và 61 doanh nghiệp bồi thường giá trị tài nguyên rừng do để mất rừng với số tiền hơn 203 tỉ đồng (trong đó giá trị lâm sản hơn 56 tỉ đồng, giá trị môi trường hơn 146 tỉ đồng).
Số tiền chênh lệch so với Phụ lục 06 của Thanh tra Chính phủ là hơn 29,8 tỉ đồng. Nguyên nhân do Sở Tài chính đã thu hồi và điều chỉnh các quyết định của một số công ty như: Công ty TNHH Lâm nghiệp Tam Hiệp, Công ty CP TM XNK Mai Viết và Công ty TNHH BĐS Di Đức.
Liên quan đến trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện kiểm điểm, kỷ luật 74 lượt cán bộ công chức thuộc lực lượng kiểm lâm do thiếu trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra dẫn đến việc các doanh nghiệp bị bồi thường tài nguyên rừng nêu trên.
Nhiều vướng mắc và không khả thi
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, một số dự án đã bị thu hồi toàn bộ (toàn tỉnh có 35 dự án đã bị thu hồi toàn bộ thuộc đối tượng phải đóng tiền bồi thường, số tiền hơn 90 tỉ đồng và theo Phụ lục 06 của Thanh tra Chính phủ 26 dự án đã được UBND tỉnh thu hồi toàn bộ với số tiền hơn 74 tỉ đồng) nên việc đôn đốc các doanh nghiệp này nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng là không khả thi.
Bên cạnh đó, một số trường hợp còn lại do khó khăn và trây ỳ không chấp hành việc nộp tiền bồi thường mặc dù đã được các cơ quan chức năng đôn đốc nhiều lần vẫn chưa chấp hành nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng vào ngân sách Nhà nước.
Trong tổng số tiền phải bồi thường thiệt hại của các doanh nghiệp thì số tiền bồi thường về môi trường quá cao nên hầu hết các doanh nghiệp không có khả năng thực hiện.
Hiện nay, một số doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở nhưng không thông báo cho các cơ quan chức năng; ngoài ra một số trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật…. nên gây khó khăn trong việc liên hệ, đôn đốc việc nộp tiền và chỉ đạo của các cơ quan chức năng tại địa phương.
Đặc biệt, ông Võ Danh Tuyên - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng - báo cáo UBND tỉnh rằng: “Sự phối hợp chưa đồng bộ giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các ban ngành trong việc ngăn chặn vi phạm. Về phụ lục 06 của Thanh tra Chính phủ: danh sách có 21 doanh nghiệp là các trường hợp không phải bồi thường do mất rừng, khai thác rừng trái phép mà đây là các trường hợp phải đền bù giá trị lâm sản trên diện tích được cải tạo rừng nghèo, rừng nghèo kiệt để trồng rừng, trồng caosu nhưng do vượt sản lượng được cấp phép khai thác, chênh lệch nhóm gỗ; trên diện tích được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng công trình, khai thác đá, thủy điện… (toàn bộ là tiền đền bù về lâm sản)”.
Đó là chưa kể, việc yêu cầu nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng đối với doanh nghiệp đã bị thu hồi toàn bộ dự án, hiện nay không còn hoạt động nào tại tỉnh Lâm Đồng rất khó khả thi. Một số doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng đã giao nhưng do lực lượng quản lý rừng của các doanh nghiệp còn mỏng nên không thể giữ được diện tích rừng được giao.
Đa phần việc mất rừng xảy ra rải rác trong giai đoạn đầu các doanh nghiệp thuê rừng mới nhận bàn giao, thiếu kinh nghiệm trong quản lý bảo vệ rừng và giao thời giữa chủ rừng nhà nước quản lý chuyển qua cho doanh nghiệp thuê rừng. Bên cạnh đó, một số hộ dân địa phương đã bất chấp, tranh thủ lơ là của doanh nghiệp để lấn chiếm đất, phá rừng mong chờ cơ hội được đền bù...
NHIỆT BĂNG (LĐO)
https://laodong.vn/xa-hoi/boi-thuong-tai-nguyen-rung-tai-lam-dong-khong-de-904236.ldo

Có thể bạn quan tâm