Thời sự - Bình luận

Bom nước!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu vỡ hồ Kẻ Gỗ, 346 triệu m3 nước sẽ tạo ra một “cơn sóng thần” với tốc độ 7,49m/s, cuốn phăng toàn bộ những gì dòng chảy đi qua. Các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch... sẽ chìm trong biển nước.
 

“Nguy hiểm nhất là hồ Kẻ Gỗ, hiện đã đầy nước, nguy cơ xả thẳng xuống TP.Hà Tĩnh”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (Ảnh TL/LĐO)
“Nguy hiểm nhất là hồ Kẻ Gỗ, hiện đã đầy nước, nguy cơ xả thẳng xuống TP.Hà Tĩnh”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (Ảnh TL/LĐO)


Đây là “kịch bản” trong nghiên cứu ảnh hưởng tình huống vỡ đập hồ Kẻ Gỗ đến vùng hạ du của nhóm tác giả, các PGS TS Phạm Thị Hương Lan, Nguyễn Cảnh Thái (ĐH Thuỷ lợi) và kỹ sư Trần Ngọc Huân, Viện Thuỷ văn, môi trường và biến đổi khí hậu.

Phải viết thêm: 1,5 tiếng sau khi vỡ đập, lũ sẽ tràn tới TP Hà Tĩnh.

Sau 3 tiếng, độ sâu vùng ngập hạ du sẽ là 5m. Tức là gần ngập nóc một ngôi nhà 2 tầng.

Vùng phá hoại của lũ sẽ cực rộng với 55 xã ở 3 huyện trên tổng diện tích 345km2. 47.490 nhà dân và 347.395 dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Một thảm hoạ thật sự.

Thảm hoạ cũng là từ của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khi ông nhìn nhận thực tế “nguy hiểm nhất là hồ Kẻ Gỗ, hiện đã đầy nước, nguy cơ xả thẳng xuống TP.Hà Tĩnh”

Những thông tin về nguy cơ hồ Kẻ Gỗ- Hà Tĩnh đang khiến chúng ta lo lắng, nhất là khi nó đang phải xả “max tốc” với lưu lượng có thời điểm lên tới 1.100m3/s, nhất là khi Hà Tĩnh-, trong 24h tới - tiếp tục có mưa cực lớn, nhất là khi bão lăm le ngoài biển đông.

Các giáo sư tiến sĩ, các nhà khoa học lần này đã không ngoài cuộc. Những “kịch bản đen” của họ, thật ra, đang giúp chúng ta lường trước được những hậu quả, đặng có những biện pháp sơ tán dân, chống lũ kịp thời.

Không ai muốn một thảm hoạ bom nước cả.

Nhưng để loại trừ nguy cơ những quả bom nước chỉ có những nghiên cứu về hậu quả thì chưa đủ..

Báo Hà Tĩnh hôm qua dẫn lời Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh Nguyễn Văn Tâm có nói về một chi tiết: Khu vực Kẻ Gỗ chỉ có 1 trạm đo mưa tại đập chính, trong khi lực vực hồ là 223km2, nước về hồ từ nhiều nguồn khác nhau như: Hương Khê, Kỳ Anh...

Và vị Phó Giám đốc mong sớm được tỉnh, ngành chức năng ưu tiên xử lý vấn đề này.

Vấn đề này là vấn đề gì?

Là việc ngay cả người quản lý hồ đập cũng thiếu công cụ để tính đếm được lượng mưa, lượng nước?

Chưa kể “sóng chập chờn, dữ liệu không truyền về được do thường xuyên rớt mạng”.

Toàn bộ khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ và một phần Bắc Trung Bộ có tới 2.332 hồ chứa thuỷ lợi và thuỷ điện.

Riêng việc Kẻ Gỗ xả lũ “max tốc” đã khiến 144 thôn/18 xã với 4.580 hộ dân... vùng hạ du ngập sâu và bị cô lập. Nhiều ha nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại. Hệ thống công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng; nguồn điện phía Bắc của huyện Cẩm Xuyên bị cắt hoàn toàn.

Muốn nó không trở thành nguy cơ, không xả tai ách xuống đầu người dân, thì trước hết phải đảm bảo những cái tối thiểu nhất.

223km2 lưu vực mà chỉ có 1 trạm đo mưa, có khác gì người lính ra trận với một con ngựa bị bịt mắt?

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bom-nuoc-846869.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm