Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bức thư cảm động của vợ liệt sĩ Lữ Anh Dồi gửi ân nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hành trình 38 năm đòi công lý kết thúc, cô Nguyễn Thị Mai, vợ liệt sĩ Lữ Anh Dồi đã viết bức thư cảm tạ gửi đến những người mà cô gọi là đại ân nhân.

 Cô Mai trước khi đòi được công lý cho chồng (Trần Vũ)
Cô Mai trước khi đòi được công lý cho chồng (Trần Vũ)



Chúng tôi xin đăng lại bức thư này, xem như một "kết thúc có hậu" về hành trình 38 năm đòi công lý cho chồng của một người vợ thủy chung vô tận.

Tôi là Nguyễn Thị Mai, vợ của Thiếu úy Lữ Anh Dồi, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, trước đây bị Trung tá Nguyễn Ngọc phó ty Công an tỉnh Minh Hải, Chỉ huy trưởng lực lượng Công an vũ trang cùng chuẩn úy Thái Văn Hùng âm mưu dàn dựng hồ sơ chứng cứ giả tạo vu khống Lữ Anh Dồi phản động để sát hại ngày 27-3-1979 tại thị trấn Hộ Phòng huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu).

Lời đầu tiên tôi chân thành kính đến quý Đại ân nhân muôn ngàn sự tri ân chân thành và lời chúc cầu vạn phúc!

Thưa qúy ân nhân: Năm xưa tuy tôi được cha mẹ đặt tên Mai, với hy vọng trong tương lai tôi gặp nhiều may mắn. Nhưng kỳ thực, số kiếp lại quá đỗi gian truân, hơn nữa quãng đời đau thương chồng chất vất vả, lặn lội suốt 38 năm trường từ Cà Mau ra tận thủ đô Hà Nội để đi tìm ánh sáng công lý trong cái chết oan khuất của chồng tôi.

Trên khắp hành trình đầy gian lao nguy hiểm đó, nếu không nhờ các đại ân nhân (những vị cứu tinh của người cùng khổ) đã bất chấp mọi hiểm nguy có thể làm tổn hại đến bản thân mình, mà sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp, đồng hành cùng tôi quyết đấu tranh đồi công lý, thì chắc hẳn bản thân tôi đã gục ngã tự lâu rồi, chớ không tài nào sống sót để còn nhìn thấy ánh sáng của bình minh, hay chờ dịp đón nhận một niềm vinh dự to lớn của Nhà nước ban tặng hôm nay (Bằng Tổ quốc ghi công cho Lữ Anh Dồi); công nhận anh Lữ Anh Dồi là liệt sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.


 

Ngày 27-7-2017, cô nhận bằng tổ quốc ghi công cho chồng, kết thúc 38 năm nhọc nhằn đòi công lý của mình. Ảnh: Trần Vũ
Ngày 27-7-2017, cô nhận bằng tổ quốc ghi công cho chồng, kết thúc 38 năm nhọc nhằn đòi công lý của mình. Ảnh: Trần Vũ



Những công lao sánh bằng trời biển ấy của các Đại ân nhân, và sự ủng hộ của bà con nhân dân cả nước với quãng đời còn lại này của tôi không sao đền đáp nổi, chỉ xin được cúi đầu bái tạ và nguyện khắc cốt ghi tâm ơn đức của mọi người mãi mãi!

Nhìn lại chặng đường 10 năm đòi lẽ phải minh oan cho vụ án của anh Dồi. Trước tiên tôi cùng cả gia đình quyến thuộc xin kính cẩn bái tạ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (vị Đại ân nhân của chúng tôi). Bác đã tái sinh cuộc đời tôi và ban niềm vui sống cho cả gia đình thân tộc của tôi và anh Dồi. Nhưng giờ đây Bác đã ra đi, công ơn cao cả của ngày hôm nay chúng tôi chỉ còn biết cúi đầu bái tạ và nguyện cầu vong linh Bác an lạc trên cõi vĩnh hằng.

Và trong suốt nẻo đường nguy hiểm, gian khổ ấy cũng đã chứng minh những tấm lòng vàng trên khắp thế gian này không ít, họ đang hiện diện ở khắp mọi nơi và sẵn sàng ra tay kịp thời cứu giúp chúng tôi cũng như những người cùng khổ khác.

Vì vậy những tháng ngày bất hạnh đoạn trường của chính bản thân tôi, quả tình là trời cao không phụ nên đã ban nhiều diễm phúc cho tôi như cái tên mà mẹ cha kỳ vọng (người tốt luôn xuất hiện quanh tôi như những thiên thần khi tôi gặp nhiều điều nguy khốn) họ nhiệt tình nâng đỡ, cứu giúp tôi đủ sức đứng lên và vững lòng tin tìm ra công lý sự thật.

Điều khiến tôi không thể nào quên ân tình thâm sâu của má Tư, má Sáu cùng bà con ở hàng đáy Thị trấn Hộ Phòng nơi anh Dồi bị bắn chết và khiêng đi dập xác.

Các thầy cô, bạn bè đồng nghiệp trường Trung học Sư phạm Bạc Liêu năm xưa, họ chẳng ngại an nguy âm thầm cưu mang, hỗ trợ, nâng bước chân tôi vượt qua thảm cảnh đen tối nhất trong cuộc sống của đời mình. Những tấm chân tình kia tôi luôn ghi lòng tạc dạ và nguyện cùng trời cao ban đến các Đại ân nhân muôn vàn hạnh phúc.

Đặc biệt là công ơn của các vị lãnh đạo Báo, Đài các nhà báo đầy tâm huyết như chú Bảy Minh, anh Sáu Sơn, Dương Thanh Long, Việt Quân, Thành Nên (Báo chí Minh Hải lúc bấy giờ), nhà báo Hoàng Giang (Đài Phát thanh truyền hình Cần Thơ), nhà báo Huỳnh Lãnh (báo Kiên Giang Chủ Nhật).v.v…luôn sát cánh cùng tôi đấu tranh đến ngày thắng lợi.

Bên cạnh đó còn có các vị ân nhân Lãnh đạo Sở, Ngành, Cơ quan chức năng của tỉnh như chú Nguyễn Hoàng, chú Hoàng Hà, chú Tư Dân, chú Tám Bông, chú Từ Minh Khánh, chú Tư Mỳ, chú Tư Huờng (Bí thư tỉnh ủy tỉnh Minh Hải), Đại tá Lê Trung Tính (nguyên Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội quân sự tỉnh Minh Hải).v.v… các chú rất quan tâm, tạo mọi điều kiện và bảo vệ tôi bình an trên suốt chặn đường dài kêu oan đầy phức tạp này.


 

Cô Mai chụp ảnh lưu niệm với những người mà cô cho là đại ân nhân. Ảnh: Trần Vũ
Cô Mai chụp ảnh lưu niệm với những người mà cô cho là đại ân nhân. Ảnh: Trần Vũ



Hơn thế nữa vụ án của anh Dồi được làm sáng tỏ là nhờ sự công chính nghiêm minh của các Đại ân nhân (những vị Bao công tái thế) đã quyết tâm trên tinh thần ‘thượng tôn pháp luật’ với tinh thần chí công vô tư người cầm cân nảy mực rất bản lĩnh trong các phiên tòa từ cấp Sơ thẩm, đến cấp Tối cao, Trung Thẩm và Giám đốc Thẩm...

Chúng tôi nguyện ghi tạc thâm ân, chúc cầu hạnh phúc an khang đến gia đình quý vị !

Bốn phiên tòa rồi cũng khép lại với không khí hân hoan, phấn khởi và kính phục của hàng vạn người trong cả nước. Đồng thời nỗi oan khuất của anh Dồi 10 năm qua cũng được làm sáng tỏ trên sự công bằng nghiêm minh của pháp luật.

Qua đó đã xác định được anh Dồi vẫn là Đảng viên, một chiến sĩ kiên trung hy sinh vì bảo vệ an ninh cho tổ quốc…!

Vẫn tưởng quyền lợi chính trị của anh sẽ sớm được các cơ quan pháp luật thi hành, nào ngờ niềm vui chưa cạn, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình lần thứ hai dấn thân đi dòi danh dự cho sự hy sinh đúng nghĩa của một sĩ quan công an Biên phòng bất khuất dám vượt lên nguy hiểm của chính bản thân mình, để hoàn thành nhiệm vụ như bản chất thực sự con người anh ‘Thà chết đứng chứ không biết sống quỳ tiếp tay cho tội ác".

Đó là những lời trước kia anh tâm sự cùng tôi, để rồi giờ đây sự hy sinh của anh vẫn chưa được suy tôn là liệt sĩ, nghĩ tới đó tôi cảm thấy chua xót vô cùng, nên phải kiên trì, khiếu nại, yêu cầu nhà nước công nhận liệt sĩ cho anh suốt 28 năm trời ròng rã. Với ngần ấy thời gian qua cũng đủ để gậm nhấm hết niềm tin và hy vọng hơn nữa phần đời còn lại này của tôi gần như sức cùng, lực kiệt. Nhưng sinh mạng chính trị của chồng tôi vẫn mịt mùng bóng chim tăm cá. Mà khoảng đường dài trước mặt tôi mây đen và tuyệt vọng cứ mãi bao trùm vì những điều kiện khó khăn ùn tắc càng đè lên đôi chân nặng trĩu của tôi như muốn quật ngã bất cứ lúc nào.

Thế rồi niềm vui và hy vọng chợt đến như lời người xưa đã dạy ‘sau cơn mưa trời lại sáng’ quả không sai (vị cứu tinh của cuộc đời tôi lần thứ hai bỗng dưng xuất hiện như một phép màu). Chú Đặng Văn Cung vị lão thành cách mạng (nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Đoàn Gia Lai, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường tỉnh Gia Lai-Kom Tum). Với tinh thần nhiệt tình cách mạng, chú cùng người bằng hữu của mình là chú Phạm Trung Luyến (một cựu chiến binh sư 331, Quân khu 5) các chú không quản ngại đường xá xa xôi, tuổi cao sức yếu sẵn sàng hiệp sức, cùng Nhà báo Dương Thanh Long hướng dẫn tôi ra tận Hà Nội tìm ánh sáng công lý để tôi đi tiếp đến cuối đoạn đường này.

Và may mắn cho tôi thông qua chú Cung tôi gặp được Đại ân nhân chú Phan Diễn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban bí tư Trung ương Đảng) chú Vũ Trọng Kim (khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) chú Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cùng các chú Cục người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cục Chính sách Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Hà Nội. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và các vị lãnh đạo Bộ, Ngành Trung ương đã đồng thuận trợ giúp việc công nhận liệt sĩ cho chồng tôi-anh Lữ Anh Dồi.

Những công ơn cao cả của các đại ân nhân! Chúng tôi muôn vàn cảm tạ!

Và một lần nữa để có kết quả ấy nếu không nhờ có những ngọ đuốc thiêng của các cơ quan Báo, Đài đầy nhiệt tâm và bản lĩnh như nhà báo Trần Vũ (Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, ở Cà Mau), nhà báo Dương Thanh Long (Báo Cà Mau năm xưa), báo Tuổi trẻ Đời sốn,  Đài tiếng nói Việt Nam. Tất cả đã thắp sáng lên ‘ngọn lửa thiêng’ nhằm soi rõ khắp nẻo đường chân lý, để trợ lực cho bản thân tôi nói riêng, những người bất hạnh nói chung yên lòng mà vững bước đi tìm công lý. Từ đó giúp cho sự hy sinh như anh Dồi năm xưa không trở thành vô nghĩa!


 

Ngày vui trọn vẹn 27-7 của cô Nguyễn Thị Mai. Ảnh: Trần Vũ
Ngày vui trọn vẹn 27-7 của cô Nguyễn Thị Mai. Ảnh: Trần Vũ


Chúng tôi cũng không bao giờ quên ơn sự quan tâm giúp đỡ chỉ đạo hoàn thành mọi thủ tục pháp lý công nhận chế độ chính trị cho chồng tôi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau và các Ban ngành Đoàn thể trong tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra tỉnh Cà Mau cùng với bà con khắp nơi mọi miền đất nước đã ủng hộ tôi trong suốt thời gian qua...!

Công ơn cao cả của Quý đại ân nhân, gia đình  chúng tôi xin mãi khắc ghi vào tâm khảm nguyện cầu mọi sự bình an, vui tươi và hạnh phúc với gia đình quý vị ‘phúc như đông hải, thọ tỷ nam sơn’…!

Một lần nữa, tôi - Nguyễn Thị Mai chân thành cảm tạ!

Trần Vũ ghi (PLO)

Có thể bạn quan tâm