(GLO)- Theo thống kê của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 234 ca mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Đây là số liệu ghi nhận các ca bệnh nhập viện điều trị, những ca điều trị ngoại trú không thể thống kê. Các địa phương có số trẻ mắc bệnh cao: Ia Grai, Mang Yang, Chư Sê, Chư Pah và TP. Pleiku… Theo nhận định của ngành Y tế, bệnh tay chân miệng sẽ còn diễn biến phức tạp.
Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 10-2018, toàn tỉnh đã ghi nhận 59 ca mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với tháng 9 và chiếm 1/4 tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay.
Bệnh viện quá tải
|
Các bệnh nhi nhập viện điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: N.N |
Theo thống kê của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 234 ca mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Đây là số liệu ghi nhận các ca bệnh nhập viện điều trị, những ca điều trị ngoại trú không thể thống kê. Các địa phương có số trẻ mắc bệnh cao: Ia Grai, Mang Yang, Chư Sê, Chư Pah và TP. Pleiku… Theo nhận định của ngành Y tế, bệnh tay chân miệng sẽ còn diễn biến phức tạp.
Có mặt tại Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi Gia Lai), P.V chứng kiến các bác sĩ làm việc khá vất vả vì số bệnh nhi tay chân miệng tăng nhanh. Để ứng phó, Khoa phải linh động tận dụng hành lang bệnh viện kê thêm giường cho người bệnh vì các phòng đã kín bệnh nhân. Bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện-thông tin: Chỉ riêng từ đầu tháng 9 đến nay, số bệnh nhi nhập viện điều trị tại đây là 103 ca, không tính các trường hợp điều trị ngoại trú. Ngày cao điểm có đến 26 ca nhập viện. Hiện số bệnh nhi đang điều trị nội trú là gần 20 ca, từ 1 đến 2 tuổi. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 3 ca độ 2B, chưa ghi nhận độ 3, độ 4 và không có trường hợp tử vong.
Đang chăm con điều trị tại đây, chị Ninh Thị Sâm (thôn Bình An, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Con mình mới 14 tháng tuổi, chưa đi nhà trẻ, nhập viện đã 9 ngày. Trước đó, cháu bị sốt, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ nên lên đây khám mới biết bị bệnh tay chân miệng”.
Phải chăm một lúc 3 con nhỏ nằm viện nên chị Hồ Thị Thu Hiền (tổ 5, phường Hội Phú, TP. Pleiku) hết sức mệt mỏi. Chị cho biết: “Mình sinh ba, các cháu hiện đã được 40 tháng tuổi, đều đã đi học mẫu giáo. Cả 3 cháu nhập viện đã một tuần nay, 2 cháu bị tay chân miệng, cháu còn lại thì bị phổi, đang theo dõi thêm tay chân miệng. Gia đình đã thông báo tình hình cho nhà trường biết để theo dõi các cháu cùng lớp và triển khai phòng-chống dịch bệnh tại trường”.
Tăng cường phòng-chống dịch bệnh
|
Bác sĩ khám cho bệnh nhi bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh N.N |
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn: “Thời điểm này đang mùa cao điểm nên dịch bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan và bùng phát, nhất là trong trường học. Cần lưu ý, không chỉ trẻ mới bị bệnh mà người lớn chăm sóc trẻ bị bệnh cũng là nguồn lây bệnh nên cần tăng cường tuyên truyền để họ thực hiện các biện pháp phòng-chống, tránh lây lan bệnh cho những người xung quanh”. |
Hiện nay, số bệnh nhi tăng nhanh khiến các cơ sở y tế hết sức vất vả. Bệnh viện Nhi Gia Lai phải tăng cường thêm bác sĩ, nhân viên đến Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền để chăm sóc, điều trị. “Trước diễn biến bất thường của bệnh tay chân miệng trong cả nước nói chung, Gia Lai nói riêng, Bệnh viện đã chủ động cơ số thuốc nhưng vẫn sợ không đủ nên đang tiếp tục có kế hoạch dự trù thêm thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị. Bệnh viện cũng quán triệt tăng cường công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhi một cách tốt nhất, không để xảy ra trường hợp đáng tiếc”-Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Thị Mai Linh thông tin thêm.
Ngày 14-10, UBND huyện Ia Grai cho biết đã yêu cầu Trường Mầm non 1-5 (xã Ia Yok) đóng cửa từ ngày 12 đến 22-10, cho học sinh nghỉ học để cách ly, điều trị bệnh tay chân miệng. Đến nay, đã có 34 học sinh của trường nhiễm bệnh. Sau những ca bệnh đầu tiên tại Trường Mầm non 1-5, hiện toàn xã Ia Yok đã có 39 trường hợp mắc tay chân miệng được phát hiện và con số này vẫn đang có dấu hiệu gia tăng. |
Cái khó hiện nay là tâm lý e ngại, lo lắng thái quá của nhiều phụ huynh. Nhiều bệnh nhi mắc bệnh ở mức độ nhẹ nhưng phụ huynh vẫn nằng nặc xin cho con nhập viện gây quá tải trong công tác điều trị. Bác sĩ Võ Thị Thu (Bệnh viện Nhi Gia Lai) cho biết: Gặp những trường hợp như trên, các bác sĩ phân tích, tư vấn để phụ huynh yên tâm điều trị tại nhà và cho trẻ tái khám theo quy định. Việc nhập viện khi trẻ bệnh ở mức độ nhẹ sẽ khiến trẻ có thể lây nhiễm chéo tại bệnh viện làm bệnh thêm nặng. Chỉ những trường hợp sốt cao, uống thuốc hạ sốt không đỡ, nổi nhiều bóng nước, nôn ói… thì mới cần nhập viện điều trị.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng tăng nhanh, UBND tỉnh vừa có Công văn số 2230/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng-chống bệnh tay chân miệng. Sở Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi các đơn vị y tế và các đơn vị liên quan để triển khai công tác phòng-chống căn bệnh này. Ngày 10-10, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cơ sở giáo dục mầm non nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng tránh dịch bệnh.
Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế-cho biết: Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đang xây dựng kế hoạch phòng-chống bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát dịch tễ; giám sát bệnh nhân nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trong các cơ sở y tế và cộng đồng, đảm bảo 100% số ca mắc bệnh tay chân miệng được giám sát và báo cáo theo quy định. Tiến hành kiểm tra, rà soát trang-thiết bị y tế, hóa chất đảm bảo các điều kiện xử lý môi trường; tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng; thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ em để phòng-chống bệnh. Các cơ sở điều trị trực thuộc Sở Y tế, Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, điều trị, trang- thiết bị y tế, vật tư, hóa chất phục vụ công tác thu dung, điều trị bệnh nhân; đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế về các phác đồ cấp cứu, điều trị bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Như Nguyện