Thời sự - Bình luận

Bước đột phá về nền tảng số quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vừa chủ trì cuộc họp, đánh giá kết quả bước đầu và các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). 
Mục tiêu tổng quát của Đề án 06 là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến thời điểm này, sau gần 2 tháng triển khai, đã có 38 bộ, ngành, địa phương thành lập Tổ công tác đề án; 40 bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai đề án; thực hiện kết nối các dữ liệu: tiêm chủng, học sinh, thuế để phục vụ ngay tiện ích cho công dân và doanh nghiệp; triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống dữ liệu các bộ, ngành... 
Có thể khẳng định, CSDLQGVDC hiện đã cơ bản hoàn thiện và hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành (giáo dục, thuế, bảo hiểm, viễn thông, ngân hàng…) là cực kỳ quan trọng đối với đất nước. Đó là tài sản quốc gia, hay của mỗi ngành nghề, lĩnh vực, không thể thay thế được. CSDLQGVDC cũng được xác định là 1 trong 6 hệ thống cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia (cùng CSDLQG về thống kê dân số, tài chính, đất đai, bảo hiểm và đăng ký doanh nghiệp). Trong đó, CSDLQGVDC được gắn với từng người dân, từng gia đình, là nền tảng, cơ sở dữ liệu lớn để hình thành công dân số, xã hội số, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quá trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các hệ thống dữ liệu đó được xem là “tài nguyên số” vô cùng quý giá của mỗi quốc gia, cho bất kỳ nền kinh tế nào. Đó cũng chính là nền tảng quan trọng nhất, để xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Đề án 06 là một phần thực hiện đột phá chiến lược đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. 
Trong năm 2021, Bộ Công an đã chủ trì làm được một việc vô cùng quan trọng là hoàn thành số hóa và lưu trữ tập trung thông tin của gần 100 triệu dân cư tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp CCCD có gắn chíp điện tử, đã in và trả hơn 50 triệu thẻ đến tay người dân... Đồng thời, đã triển khai kết nối thử nghiệm thành công với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước, phục vụ hiệu quả công tác nghiệp vụ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 cao điểm vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các ứng dụng trên hệ thống CSDLQGVDC để kiểm soát đi lại, phòng chống dịch bệnh mang lại hiệu quả tích cực.
Đến nay, 6 bộ, ngành liên quan (Y tế, GD-ĐT, Tài chính, LĐTB-XH, KH-ĐT và Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thống nhất giải pháp sử dụng số định danh duy nhất từ CSDLQGVDC. Bước tiếp theo của Đề án 06 là tiếp túc kết nối và chia sẻ an toàn hệ thống CSDLQGVDC; triển khai tích hợp, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng thời hạn quy định.
Việc xây dựng thành công CSDLQGVDC và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, là điều không phải bàn cãi. Đây thực sự được xem là một bước tiến lớn, đột phá về phát triển hạ tầng số quốc gia. Chính vì vậy, tại cuộc làm việc vừa qua, Thủ tướng Pham Minh Chính nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao nhận thức về thực hiện Đề án 06, vì đây là đề án trực tiếp liên quan đến các đột phá chiến lược, các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và của quốc gia, chứ không phải là đề án của một bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương nào.
Theo TRẦN LƯU (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm