Thời sự - Bình luận

Bước qua “lời nguyền” khát nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giữa những ngày khô hạn và thiếu điện đến mức căng thẳng trong mùa hè này, câu chuyện thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên nước đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, cả ngoài xã hội và trong nghị trường.

Ngày 20-6 tới, dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể, nhưng trước đó, tại 19 tổ đại biểu Quốc hội (ĐB), rất nhiều ý kiến đã được tổ thư ký ghi nhận, tổng hợp.

Dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới, ĐB Khang Thị Mào (Yên Bái) nhận xét, giá trị sử dụng nước của Việt Nam rất thấp, 1m³ nước chỉ tạo ra 2,37 USD, bằng khoảng hơn 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,43 USD.

Là một nước nông nghiệp lúa nước, lượng nước sử dụng trong nông nghiệp chiếm 81% tổng lượng nước khai thác, sử dụng của Việt Nam, nhưng chỉ tạo ra 17%-18% GDP. Hiệu suất sử dụng nước cho nông nghiệp ở Việt Nam còn ở mức thấp, đạt 0,2USD/m³. Trong khi đó, hơn 60% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài.

Cho ý kiến về dự thảo luật tại tổ ĐB số 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực này. Cho rằng tài nguyên nước là không miễn phí và sẽ ngày càng đắt đỏ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý nước mặt; đồng thời yêu cầu hoàn thiện, bổ sung thêm quy định về sử dụng nước tiết kiệm trong dự thảo luật.

Dĩ nhiên, vấn đề tưới tiêu tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp cần được quan tâm thích đáng, vì nông nghiệp là lĩnh vực sử dụng nhiều nước hơn cả. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trong nền kinh tế tuần hoàn thì nước là ngành kinh tế có thể thu lãi lớn; mọi nguồn nước, không chỉ nước mặt mà nước ngầm, nước mặn, nước ngọt, nước lợ, thậm chí cả nước thải cũng được coi là tài nguyên và phải được sử dụng hợp lý trên nguyên tắc tiết kiệm. Và như thế, đây không phải là câu chuyện đơn ngành, mà là đa ngành.

May mắn thay, nước là tài nguyên có thể tái tạo. Để nuôi dưỡng nguồn sinh thủy, chúng ta cần có chiến lược đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đó là chính sách phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng.

Như đã có ý kiến đề xuất, thay vì chi trả dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng, Nhà nước có thể nghiên cứu sử dụng khoảng 15%-20% từ quỹ chi trả môi trường rừng để điều tiết lại cho việc phát triển, bảo vệ nguồn sinh thủy trên toàn quốc; đưa nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng thành nguồn tài chính ổn định cho việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.

Việc làm này vừa giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, vừa khuyến khích các địa phương có cơ chế chuyển đổi quy hoạch rừng sản xuất sang quy hoạch rừng phòng hộ ở những khu vực có nguồn nước để bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế đủ mạnh để bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, quan trọng và quy chế vận hành các hồ này sao cho hài hòa lợi ích, tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên nước. Chẳng hạn, ngoài nhiệm vụ cơ bản của hồ chứa thủy điện là đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống năng lượng quốc gia thì đồng thời cần đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường.

Đó là đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của vùng hạ lưu trong mùa cạn kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ. Tất nhiên, những nội dung này không thể “gói ghém” hết trong dự thảo luật, mà cần được cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật thuộc nhiều lĩnh vực như công thương - nông nghiệp…

Thiết kế khung khổ pháp luật tốt và phối hợp thực hiện nhuần nhuyễn, Việt Nam có thể bước qua “lời nguyền” khát nước. Chắc chắn phải như vậy.

Có thể bạn quan tâm