Cá ào ra sông cuối mùa nước nổi miền Tây,ngư dân lại kiếm thêm tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nước lũ nội đồng đang rút nhanh ra sông rạch kéo theo tôm cá sau hơn 3 tháng trầm mình trong đồng, nay đã lớn bơi ào ào ra sông. Mùa này, ngư dân lại kiếm được tiền từ nghề làm mắm.
 
Nghề cắt đầu cá này kéo dài chỉ khoảng gần 3 tháng, từ tháng 12 cá rút hết ra sông nên hết mùa làm mắm - Ảnh: THANH DŨNG
Nhộn nhịp mùa cắt cá thuê
Dọc theo các làng quê ở An Giang lúc này vui nhộn bởi tiếng cười đùa, câu chuyện pha trò của các bà, các cô đang ngồi cắt đầu cá thuê như cá linh, cá chốt, cá sặc, cá lóc đồng.
Buổi sáng ở gần kinh Vĩnh Tế thuộc xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc một nhóm phụ nữ vừa cắt đầu cá linh vừa “tám” chuyện nhân tình thế sự. Bà Nguyễn Thị Hương (78 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tế) móm mém nói, cao tuổi rồi sức khỏe yếu, ở nhà cũng buồn nên đến đây ngồi cắt đầu cá thuê ăn công 2.000 đồng/kg, kiếm thêm chút đỉnh phụ con cháu.
 
Nước lũ rút dần là mùa cá ra sông - Ảnh: THANH DŨNG
 
Đặt dớn lưới bắt cá ở kinh Vĩnh Tế - Ảnh: THANH DŨNG
Bà kể, mấy mùa lũ trước bà cũng đi cắt đầu cá thuê, công việc nhẹ nhàng thích hợp cho người mắt kém như bà, ngồi cắt lâu lâu nhức mỏi thì nghỉ mệt rồi làm tiếp. Một ngày bà có thể kiếm được gần 100.000 đồng từ cái nghề này. Cá linh cắt xong giao cho chủ đặng họ chở đi bỏ mối lại cho các dựa ủ làm mắm sống nổi tiếng ở vùng Châu Đốc.
Cách đó không xa, nhóm phụ nữ vừa ngồi cắt đầu cá chốt vừa bàn chuyện rôm rả. Bà Bùi Thị Mỹ Hạnh (56 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tế) nói vui: “Mấy tháng này, ngày nào tụi này cũng ngồi cắt cá nên lúc nào cũng tanh rình mùi cá chốt”.
Năm nào cá sông nhiều, bà Hạnh lại có mặt ở nhà bà Tím nhận cắt đầu cá thuê và được trả công 3.000 đồng/kg. Bà giải thích, cắt đầu cá chốt được trả công cao hơn cắt đầu cá linh do cá chốt có ngạnh nên cắt khó hơn, cắt ẩu bị ngạnh cá đâm chảy máu tay liền, mà đã làm nghề này thì cẩn thận tới đâu cũng bị ngạnh cá đâm.
Bà Hạnh nói: “Mắm cá chốt nổi tiếng không kém gì cá linh, khách du lịch đi vía Bà Chúa xứ núi Sam hay đặt mua. Nghề cắt đầu cá này kéo dài chỉ khoảng gần 3 tháng thôi, từ tháng 12 cá rút hết ra sông nên hết mùa làm mắm”.
 
 
Nhóm phụ nữ ở Vĩnh Tế cắt đầu cá linh lấy tiền công 2.000 đồng/kg - Ảnh: THANH DŨNG
Bà Hạnh kể, ngày xưa vùng Châu Đốc, đìa (ao - PV) nhiều lắm giờ không còn cái nào, mùa tát đìa là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa miền quê, lúc đó chủ đìa thuê người tát cạn nước bắt cá, người dân bu xem đông nghẹt. Khi đìa cạn, nhân công dùng tay chân đạp cho nước dậy bùn khiến cá tôm lặn trốn bị nước bùn làm cay mắt, ngộp thở phải nổi lên... Đìa nào cũng lúc nhúc cá nên chủ đìa lựa những con cá to làm thịt đãi người tát và hàng xóm.
Cực như con mắm
Miền tây là xứ đồng ruộng, ngày xưa cá đồng bao la nên nghề làm khô mắm nơi nào cũng có nhưng lạ là mắm Châu Đốc vẫn ngon nhất, nổi danh cả nước.
Ông Châu (40 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tế) nói năm nay lũ đẹp nên lượng cá linh cũng bộn vì thế mấy tháng này buổi sáng nào cũng bận rộn đi cân cá linh về cắt đầu, đem bán cho các cơ sở làm mắm sống.
 
 
Các bà, các chị nói vui: Mùa này, ngày nào người cũng hôi rình mùi cá chốt - Ảnh: THANH DŨNG
Ông Châu cho biết, 1 kg cá linh mua lại của ngư dân giá 7.000 đồng, thuê người làm cá xong ông đem đi bán lại 1 kg được 12.000-13.000 đồng, còn đầu cá linh đem bán cho các cơ sở nuôi cá lóc, cá trê, cá tra làm thức ăn. Hỏi ông sao không chế biến mắm cá luôn ông cười toe, làm mắm cực lắm, chỉ phụ nữ mới kiên trì làm được.
Khác với ông Châu, bà Tím (40 tuổi) vừa đi mua cá 1kg là 8.000 đồng, thuê người cắt cá rồi tự làm mắm cá chốt bán. Bà Tím nói, bà đã thâm niên trong nghề 20 năm nên thấm thía câu “cực như con mắm”, làm mắm phải có sự nhẫn nại, kiên trì nên thích hợp với phụ nữ hơn.
Để làm ra con mắm, phải rửa sạch cá, rồi phơi ráo nước mới ướp muối, rồi thêm các gia vị, rồi rắc thính vào bụng cá, cho vào khạp (lu nhỏ - PV) ủ...., mỗi người có công thức riêng để tạo hương vị con mắm độc đáo mang thương hiệu riêng biệt. Mắm làm ra mà chua, mặn xem như thất bại.
Bà Tím nói, 1kg cá chốt khi làm mắm còn lại 0,5 kg, ủ mắm khoảng 6 tháng mới bán được, lúc này là ngay thời điểm vía Bà Chúa xứ núi Sam nên du khách tìm mua mắm cá nhiều.
Làng quê đang vào mùa làm mắm, chỗ nào cũng có tiếng cười rộn rã của các cô các chị bông đùa nhau cho đỡ mệt, đỡ hoa mắt khi chúi đầu ngồi cắt cá.
Hồi đó, mùa làm mắm bắt đầu khi lũ rút và sau tết cổ truyền (vì mùa này tát đìa). Nhưng bây giờ vùng Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung đìa cá lưa thưa nên mùa tát đìa làm mắm chỉ còn trong câu chuyện trà dư tửu hậu.
Mùa cá ra sông bây giờ so với trước cũng khác nhiều rồi, ngày xưa cá linh ra sông lội xanh mặt nước nên dọc theo các con sông Tiền, sông Hậu người ta đánh bắt cá còn đông vui hơn hội chợ.
 
Mắm Châu Đốc nổi tiếng khắp nơi
Theo các triền sông, từ sáng đến trưa đông nghịt người, lúc đó gió đông lạnh lẽo lắm nhưng hơi người làm cái lạnh cũng giảm đi, một người chài cá có đến 2-4 người theo gỡ cá mới kịp vì cá dính từ chóp cho đến đáy. Cá nhiều người ta làm mắm sống, ủ làm nước mắm, nước mắm cá linh mùi vị đậm đà nên dùng qua rồi là cái vị khó quên ấy đi theo suốt cuộc đời.
Ngày xưa, mùa cá mắm, ghe tàu miệt Bạc Liêu chạy dập dìu chở muối lên An Giang bán. Hột muối xứ Bạc Liêu do độ mặn đậm đà dù hạt muối hơi đen, không đẹp nhưng ướp cá làm tăng thêm vị ngon con mắm, nước mắm…
Bây giờ cũng là mùa cá ra sông nhưng các bến sông không còn hội cá, ghe tàu chở muối cũng không cập bến..
Thanh Dũng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm