Giáo dục

Tin tức

Cả nước có trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 15-6, tại TP. Hà Nội, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố trong cả nước về công tác tác tổ chức kỳ thi. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng-Trưởng ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và các thành viên trong Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 27 đến 30-6; chấm thi từ ngày 1-7; công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 18-7 và hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 20-7.

Tính đến ngày 15-6, tổng số thí sinh đăng ký dự thi trên cả nước là 1.024.063 thí sinh (95% thí sinh đăng ký trực tuyến). Trong đó, thí sinh chỉ xét tốt nghiệp chiếm 4,66%; thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học chiếm 3,33%; thí sinh xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng chiếm 92,91%. Tổng số thí sinh thi Tổ hợp Khoa học Tự nhiên là 323.187 (chiếm 31,52%), thi Tổ hợp Khoa học Xã hội là 566.921 thí sinh (chiếm 55,3%); đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 46.670 thí sinh (chiếm 4,55%). Căn cứ vào Quy chế thi và số lượng thí sinh đăng ký dự thi, cả nước đã bố trí 2.273 điểm thi với tổng số 44.661 phòng thi.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà

Đến nay, mọi khâu chuẩn bị cho kỳ thi được tiến hành khẩn trương, chu đáo, toàn diện theo đúng tiến độ và kế hoạch. Bộ GD-ĐT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các quy định, văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện, tập huấn nghiệp vụ; lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra sớm, tập huấn kỹ và chủ động triển khai đến các địa phương. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi hiệu quả, kịp thời, tạo thuận lợi cho thí sinh và các bên liên quan. Hầu hết các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn và rà soát, bổ sung cơ sở vật chất để chuẩn bị tổ chức kỳ thi. 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; 51/63 tỉnh, thành phố ban hành Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường phối hợp tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Các địa phương đã thành lập Hội đồng thi, các ban của Hội đồng thi và điểm thi; đánh số báo danh, xếp phòng thi theo từng bài thi, môn thi tại các điểm thi…

Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia đã phân công nhiệm vụ 4 đoàn của Ban và lãnh đạo Bộ GD-ĐT làm việc với Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các địa phương về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 từ ngày 10 đến 27-6. Bộ GD-ĐT cũng thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại 20 địa phương từ ngày 15 đến 22-6. Gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học đã được huy động để tham gia 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ GD-ĐT tại các địa phương.

Tại hội nghị, các đơn vị liên quan như: Thanh tra, Vụ Giáo dục đại học, Cục Công nghệ thông tin, Cục Quản lý khám-chữa bệnh, đại diện Bộ Công an và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh một số địa phương đã tham luận, trao đổi về tình hình chuẩn bị cho kỳ thi; những khó khăn, bất cập gặp phải; đồng thời, đề xuất phương án, giải pháp để sớm tháo gỡ, khắc phục để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương cho kỳ thi; nhất là đã chủ động triển khai thêm những nội dung ngoài yêu cầu của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong muốn và kỳ vọng tất cả lãnh đạo các tỉnh, thành phố-với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh-phát huy hết tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền; giữ vững sự thông suốt từ Trung ương đến địa phương trong toàn bộ các công tác chỉ đạo cho kỳ thi. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh cần có sự ưu tiên trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi, nhất là phương tiện, trang thiết bị phục vụ kỳ thi; xây dựng phương án đảm bảo an ninh an toàn trong các khâu in sao, vận chuyển đề thi, bài thi, ứng phó với thiên tai, phòng-chống cháy nổ tại các điểm thi, khu vực in sao đề thi, chấm thi… trong bối cảnh thời tiết diễn biến cực đoan; phòng-chống tội phạm công nghệ cao trong quá trình tổ chức thi nhằm đảm bảo tính công bằng cho tất cả thí sinh tham dự kỳ thi.

Có thể bạn quan tâm