Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Các công ty cao su: Dấu ấn từ phong trào "Sáng tạo trẻ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với niềm đam mê sáng tạo, đoàn viên, thanh niên ở các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã nghiên cứu ra nhiều sản phẩm, mô hình hữu ích, áp dụng rộng rãi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao trong công việc.
Sáng tạo từ nhu cầu thực tiễn
Gắn bó với nghề cạo mủ từ năm 2011 đến nay, anh Mai Đình Minh (SN 1987, Nông trường Cao su Ia Nhin, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah) vẫn luôn tâm huyết với công việc. Nghề cạo mủ có khá nhiều công đoạn, trong đó có việc tháo gỡ máng chắn mưa và vệ sinh mặt cạo. Theo chia sẻ của anh Minh, trước đây, muốn tháo gỡ máng chắn mưa thì phải nạo nhưng dễ làm máng bị rách và không tận dụng được cho mùa cạo sau, những chỗ cao phải leo lên thang để gỡ. Tháng 3-2019, anh Minh đã tự mày mò, chế tạo dụng cụ tháo gỡ máng trông giống như một chiếc xẻng, có cán dài 1 m, đầu cán gắn một miếng thép cứng dày, rộng 20 cm, dài 22 cm, phần đầu được mài sắc. Người công nhân dùng dụng cụ này đứng dưới gốc đẩy lên ngay vị trí tra keo của máng chắn mưa sẽ làm cho máng, keo và ghim bấm dễ dàng bung ra mà không bị rách máng. “Trước đây, mỗi công nhân khỏe mạnh trong một buổi sáng chỉ gỡ được 100 máng chắn mưa và rất tốn sức. Từ khi có dụng cụ này thì gỡ được 300-350 máng chắn/buổi. Hiện tại, dụng cụ này đã được áp dụng rộng rãi tại Nông trường Cao su Ia Nhin”-anh Minh cho biết.
Những lần đi kiểm tra ở cơ sở, anh Đỗ Luân Vương (SN 1985, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah) nhận thấy trong lượng nước thải ra môi trường ở các tổ khai thác còn lẫn mủ gây mùi hôi khó chịu. Để xử lý triệt để, anh Vương đã nghiên cứu mô hình “Cải tạo hồ chứa nước thành hồ tận thu mủ serum tại các tổ khai thác của các nông trường trực thuộc công ty”. Theo đó, mô hình tận thu mủ gồm có 2 phần: phần để mủ đông dài 3 m, rộng 1,2 m, cao 1,4 m, bề mặt nghiêng thoải về phía hồ chứa serum để nước tự chảy vào hồ chứa, trên bề mặt có xây gờ chắn để nước không tràn ra ngoài; phần chứa mủ serum dài 2 m, cao 1,2 m, rộng 1,2 m, hồ có nắp đậy, phần thành hồ bên trong được ốp gạch men.
 Anh Cao Văn Tiếp (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê) với sản phẩm bình bôi thuốc kích thích mủ. Ảnh: P.L
Anh Cao Văn Tiếp (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê) với sản phẩm bình bôi thuốc kích thích mủ. Ảnh: P.L
Nhờ giải pháp này, mỗi bể tận thu được trung bình 150 kg mủ khô/tháng. Hiện tại, Công ty có tất cả 53 bể, khối lượng mủ tận thu là 7.950 kg/tháng. “Ý tưởng này trở thành hiện thực là nhờ sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Công ty. Với thời gian khai thác mủ trung bình 10 tháng trong năm, quyết toán đơn giá 10.000 đồng/kg mủ khô, như vậy tổng thu nhập thêm cho mỗi tổ trong 10 tháng là 15 triệu đồng. Số tiền từ việc bán mủ được gây quỹ để tổ chức các hoạt động của từng tổ khai thác. Bên cạnh đó, việc giảm thiểu tối đa lượng mủ chảy tràn ra ngoài đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh”-anh Vương hào hứng cho biết.
Đến Nông trường Cao su Ia Glai (thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê) hỏi anh Cao Văn Tiếp (SN 1981) thì ai cũng biết. Ngoài làm tốt nhiệm vụ cạo mủ, anh Tiếp còn là người đam mê sáng tạo. Anh kể, bôi thuốc kích thích mủ là một trong nhiều công đoạn của việc lấy mủ. Trước đây, dụng cụ kích thích mủ chỉ gồm một cây sào dài có gắn bàn chải đánh răng, mỗi khi bôi thuốc, công nhân nhúng bàn chải vào bình thuốc nhưng liều lượng không ổn định, ở những vị trí cao khó bôi phải dùng thang để leo. Nếu không cẩn thận, thuốc rơi vào mắt ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, anh Tiếp đã nghĩ ra cách dùng bình xịt tưới cây hàng ngày để chứa thuốc; một đoạn ống nhỏ, dài khoảng 2-3 m, một đầu gắn với bình xịt, một đầu gắn với bàn chải đánh răng có gắn cây sào dài để bôi thuốc. Vật dụng này được áp dụng vào thực tiễn năm 2017, giúp cho thuốc bám đều mặt cạo, lượng thuốc sử dụng tiết kiệm hơn và đảm bảo an toàn hơn cho người lao động. Anh Cao Văn Tiếp cho biết: “Các nguyên liệu để làm vật dụng này dễ mua với giá thành chưa đến 100.000 đồng/chiếc. Được sự đồng tình của lãnh đạo Công ty, tôi đã chuyển giao kỹ thuật này cho tất cả công nhân để lắp ráp, phục vụ tốt cho công việc”.
Đẩy mạnh phong trào “Sáng tạo trẻ”
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, phong trào “Sáng tạo trẻ” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xác định là một trong 3 phong trào chính của tổ chức Đoàn. Phong trào được Đoàn Thanh niên các công ty cao su trên địa bàn tỉnh triển khai rộng rãi cho đoàn viên, thanh niên. Qua đó, đã có nhiều đề tài hay được áp dụng vào thực tiễn, mang lại kết quả cao như: “Cải tiến máng ni lông dẫn mủ, tận thu không để mủ chảy lan chảy leo ra ngoài” của anh Siu Phôn (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông); “Sử dụng niêm chì trong công tác vận chuyển mủ nước từ vườn cây về nhà máy” của anh Nguyễn Văn Hoàng (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah); “Sử dụng màn phủ nông nghiệp trong trồng xen cây ngắn ngày” của anh Nguyễn Hữu Thảo (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang); “Cải tiến máng chắn mưa cho miệng cạo đẩy” của anh Rơ Mah Nong (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông)…
Để động viên, khích lệ các ý tưởng, đề tài sáng tạo, cuối tháng 5-2019, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức vinh danh gương thanh niên, công nhân tiêu biểu trong phong trào “Sáng tạo trẻ” thuộc Đoàn khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Thanh niên các Công ty Cao su Chư Prông, Chư Pah, Chư Sê và Mang Yang. Trong tổng số 60 gương thanh niên được tuyên dương đợt này, có 48 thanh niên thuộc các công ty cao su.
Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn-đánh giá: Phong trào “Sáng tạo trẻ” đã được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn triển khai cho tất cả các tổ chức cơ sở Đoàn. Đoàn Thanh niên các công ty cao su đã thực hiện rất tốt phong trào này, nhiều mô hình, sáng tạo của thanh niên áp dụng vào thực tiễn công việc đã đem lại hiệu quả cao, được ghi nhận xứng đáng. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã vinh danh, khen thưởng kịp thời những gương sáng tạo trẻ tiêu biểu. Thời gian tới, các tổ chức Đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền để đoàn viên, thanh niên chủ động, nghiêm túc hơn trong nghiên cứu, sáng tạo.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm