Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Các lực lượng chức năng luôn theo sát mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đây là lời khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại buổi họp báo thường kỳ chiều 9-1 khi được hỏi về các vấn đề liên quan tới Biển Đông.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ chiều 9-1 tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi về các diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: 
“Mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với các vùng biển được xác lập bởi UNCLOS 1982, không làm phức tạp tình hình, có đóng góp thiết thực, phù hợp, thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác tại khu vực”.
*Về thông tin sau khi va chạm với Indonesia, tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc đang kéo về phía Việt Nam, người phát ngôn cho hay, cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin. 
"Tuy nhiên, tôi xin khẳng định lực lượng chức năng của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam được xác định bởi UNCLOS 1982”, bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm.
 
Tàu chiến Indonesia được điều động tới vùng biển quần đảo Natuna. Ảnh: Jakarta Post.
Trước đó, hàng chục tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại ngoài khơi quần đảo Natuna trong tháng 12-2019. Ít nhất 3 tàu hải cảnh của Trung Quốc cũng xuất hiện tại khu vực.
Bất chấp sự phản đối của Jakarta, Bắc Kinh tuyên bố vùng nước tại Natuna là vùng đánh cá truyền thống, vì vậy từ chối rút tàu đánh cá trở về. 
Nhà chức trách Indonesia cho biết tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện tại 30 điểm tại vùng nước quanh quần đảo Natuna, mỗi điểm có từ 1 đến 2 tàu cá.
Indonesia đã điều 4 chiến đấu cơ F-16 tuần tra ở quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông, triển khai ít nhất 600 binh sĩ và 2 khinh hạm chống tàu ngầm đến Natuna Lớn, đảo lớn nhất trong quần đảo Natuna.
Năm 2016, Indonesia và Trung Quốc cũng xảy ra tranh chấp về quyền đánh cá quanh quần đảo Natuna.
Liên quan đến việc Malaysia đệ trình lên Liên hợp quốc về bản đồ giới hạn thềm lục địa của nước này, bà Hằng cho biết: 
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước Luật biển”.
“Việt Nam bảo lưu quyền chủ quyền với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý khu vực giữa Biển Đông như đã nêu tại công hàm gửi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Liên Hợp Quốc) năm 2009”, bà Hằng nói thêm.

Cao Trung (Công an nhân dân Online)

Có thể bạn quan tâm