Thời sự - Bình luận

“Cái răng khôn” 4.617 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ví Quỹ bình ổn như "khúc ruột thừa" hay "cái răng khôn" là từ Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách. Trên báo Thanh Niên, ngày hôm qua, Tiến sĩ Việt nói: Có thể ban đầu nó có vai trò nhất định, nhưng đến lúc nào đó nó bị bỏ lại, hay nói đúng hơn là một bộ phận “thừa thãi” trong cơ thể đã phát triển mà nhiều khi để nó tồn tại, lại gây đại họa cho sức khỏe con người”.

Nói đến Quỹ bình ổn xăng dầu, không thể không nhắc lại đỉnh điểm của sự tréo ngoe. Đó là khi cao điểm dịch COVID-19, khi phong toả khắp nơi, người dân “ai ở đâu ở yên đó”, khi không ít doanh nghiệp, nhà máy dừng hoạt động... thì Quỹ bình ổn được mang ra xả.

Rồi đến khi giá xăng lên tới suýt soát 25.000 đồng/lít tháng 11.2021- gần chạm mốc đỉnh thì Quỹ không những không còn xu nào để bình ổn mà thậm chí còn âm nặng. Cụ thể: Quỹ bình ổn tại Petrolimex khi đó âm 355 tỉ, Tổng Công ty Dầu Việt Nam âm 700 tỉ đồng... Tổng cộng Quỹ bình ổn nằm tại các DN xăng dầu âm tới ngót 1.500 tỉ đồng.

Cuối năm ngoái khi xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung, cây xăng đóng cửa, treo biển hết hàng xảy ra khắp nơi, và xếp hàng chờ đổ xăng trở thành một hình ảnh....quen thuộc, Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh đã đặt ra một câu hỏi “Vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu? Liệu có nên duy trì quỹ này nữa hay không?".

Và đến giờ, theo báo cáo vừa công bố của Bộ Tài chính, đến hết năm 2022, số dư Quỹ bình ổn lên tới 4.617 tỉ đồng. Dư lớn, trong một năm loạn xăng dầu.

Một vài ví dụ, để thấy sự so sánh với “khúc ruột thừa” hay “cái răng khôn” là quá chính xác. Khi cần xả quỹ bình ổn thì chẳng có. Trong lúc chẳng cần thì lại xả. Đúng là quá thừa.

Quỹ bình ổn xăng dầu, thực chất là một loại quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Nguồn tiền của Quỹ bình ổn được hình thành bằng cách trích lập thông qua giá xăng dầu. Nói đến tận cùng thì tiền trích quỹ bản chất là tiền của người dân phải ứng trả trước cho việc tiêu thụ xăng dầu.

Đứng ở giác độ người dân thì nói như Tiến sĩ Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - thì về cơ bản, quỹ bình ổn xăng dầu không giúp người tiêu dùng giảm chi phí.

“Cái răng khôn” này dường như đã đến lúc phải nhổ, ai đau thì đau chứ cái ví của dân chắc chắn là không đau.

Có thể bạn quan tâm