Kinh tế

Nông nghiệp

Cải thiện thu nhập từ cây chùm ruột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với việc chuyển đổi diện tích điều và mì sang trồng cây chùm ruột, nhiều hộ dân ở thôn Nam Hà (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có thu nhập ổn định. Cây chùm ruột đang mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Dẫn chúng tôi tham quan một số vườn cây chùm ruột trên địa bàn, bà Lê Thị Tuyết-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Nam Hà-cho hay: Trước đây, bà con nông dân trồng điều và mì. Do năng suất, giá cả 2 loại cây này bấp bênh nên một số hộ đã quyết định chuyển đổi sang cây chùm ruột.

Bà Trần Thị Nghiêm là hộ tiên phong trồng cây chùm ruột. Ảnh: P.D

Bà Trần Thị Nghiêm là hộ tiên phong trồng cây chùm ruột. Ảnh: P.D

Năm 2010, bà Trần Thị Nghiêm quyết định chuyển toàn bộ 9 sào mì sang trồng 200 cây chùm ruột. Bà Nghiêm chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 4 con heo nái, 40 con heo thịt và sử dụng phân chuồng bón cho cây mì. Thế nhưng, năm nào cao nhất cũng chỉ thu khoảng 50 triệu đồng từ mì. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thấy cây chùm ruột ưa nắng, phù hợp với nhiều loại đất, ít tốn nhiều công chăm sóc, lại cho thu hoạch 4 vụ trong năm. Vì vậy, tôi đã chuyển đổi sang trồng cây chùm ruột. Vụ cao nhất, tôi thu khoảng 20 tấn, các vụ sau 3-4 tấn”.

Với giá bán bình quân 8-10 ngàn đồng/kg, mỗi năm, gia đình bà Nghiêm thu về khoảng 200 triệu đồng. Bà Nghiêm còn chiết cành, nhân giống cây chùm ruột bán cho những hộ có nhu cầu.

Từ mô hình của bà Nghiêm, cuối năm 2020, gia đình anh Long Văn Thiện đã chuyển đổi gần 3 sào lúa rẫy sang trồng 60 cây chùm ruột. Anh Thiện sử dụng phân chuồng bón cho vườn cây. 60 cây chùm ruột đã cho thu hoạch bói với gần 3 tạ quả. “Có thời điểm, thương lái thu mua tại vườn với giá 20 ngàn đồng/kg. Năm nay, mình hái 3 đợt quả được gần 2 tấn, còn 1 đợt đang tiếp tục thu. Đầu mùa, quả chùm ruột bán với giá 16-17 ngàn đồng/kg, còn hiện tại là 7-8 ngàn đồng/kg. Thu hoạch xong, mình cắt cành và duy trì tưới nước, bón phân để cây tiếp tục cho quả”-anh Thiện cho biết.

Anh Thiện dự kiến chuyển đổi 3 sào lúa nước sang cây chùm ruột. “Cây chùm ruột có thể cao 5-10 m, tán rộng nên phía dưới thoáng mát. Mình sẽ tận dụng khoảng không này để nuôi gà”-anh Thiện thông tin.

Anh Long Văn Thiện bên cây chùm ruột sai trĩu quả. Ảnh: P.D

Anh Long Văn Thiện bên cây chùm ruột sai trĩu quả. Ảnh: P.D

Tương tự, cuối tháng 9-2023, bà Lê Thị Tuyết mua 100 cây chùm ruột giống được chiết cành về trồng xen trong vườn điều. “Gia đình tôi trồng 5 ha điều ghép. Năm 2023, điều mất mùa, mất giá nên gia đình thu về chưa đến 100 triệu đồng. Thấy cây chùm ruột mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi mua giống trồng thử”-bà Tuyết bày tỏ. Quả chùm ruột đang được thương lái thu mua tại vườn với giá cao. Song các hộ dân mong muốn có doanh nghiệp chuyên thu mua quả chùm ruột để yên tâm mở rộng diện tích.

Trao đổi với P.V, bà Phạm Thanh Nhàn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ake-cho hay: Cây chùm ruột dễ trồng, cho thu hoạch nhiều đợt trong năm. Quả chùm ruột có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nước uống khác nhau nên được thị trường khá ưa chuộng. Hơn thế, so với cây điều, cây mì thì cây chùm ruột hiện cho hiệu quả cao hơn rõ rệt.

Hiện tại, thôn Nam Hà có khoảng 10 ha cây chùm ruột. Thời gian tới, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng mở lớp tập huấn trang bị kiến thức giúp hội viên trồng, chăm sóc cây chùm ruột mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, tiến tới thành lập Tổ hội trồng cây chùm ruột giúp các thành viên học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và liên kết tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm