Bạn đọc

Cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 10-2, Báo Gia Lai tổ chức tọa đàm kỷ niệm nhân dịp phát hành số Báo ảnh Gia Lai 1.000. Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên chủ trì buổi tọa đàm.

Cùng dự có các đồng chí trong Ban Biên tập Báo Gia Lai, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần In-Đầu tư phát triển giáo dục Gia Lai, Bưu Điện tỉnh; các đồng chí nguyên là Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai; đội ngũ biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên tham gia làm Báo ảnh Gia Lai qua các thời kỳ.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Trong không khí gần gũi, thân tình, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại chặng đường 22 năm với 1.000 số Báo ảnh Gia Lai. Phó Tổng Biên tập Lương Duy Danh nhớ lại: Trước thực tế việc hưởng thụ thông tin, văn hóa của người dân tộc thiểu số bị hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo Báo Gia Lai thực hiện thêm nhiệm vụ xuất bản ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai (Báo ảnh) với 3 ngữ Kinh, Jrai và Bahnar để phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ngày 21-6-2001, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ thông tin-Truyền thông) cấp Giấy phép cho Báo Gia Lai xuất bản ấn phẩm này. Sau thời gian chuẩn bị khẩn trương, ngày 25-6-2001, tờ Báo ảnh số 01, 4 trang in màu trên giấy Couche 105 Gr/m2, khổ 29 x 41 chính thức ra mắt và ngay lập tức thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Nhận thấy hiệu quả của tờ báo đem lại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ đạo tăng kỳ xuất bản lên 2 kỳ, rồi 3 kỳ, 4 kỳ/tháng, phát hành vào thứ hai hàng tuần với số lượng 3.000 tờ/kỳ cho đến nay.

Ban Biên tập Báo Gia Lai cùng các đại biểu trải nghiệm xem Báo ảnh Gia Lai trên Báo Gia Lai điện tử. Ảnh: Đức Thụy

Ban Biên tập Báo Gia Lai cùng các đại biểu trải nghiệm xem Báo ảnh Gia Lai trên Báo Gia Lai điện tử. Ảnh: Đức Thụy

“Ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai với 3 ngữ đã thật sự là ấn phẩm văn hóa, phục vụ yêu cầu hưởng thụ văn hóa, phục vụ đời sống Nhân dân vùng sâu, vùng xa, đảm bảo thực hiện đúng chức năng là cơ quan thông tin đại chúng của Đảng bộ tỉnh, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nâng cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc; làm phong phú thêm đời sống tinh thần, nâng cao hiểu biết và giúp bà con thu thập được những thông tin có ích trong cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất… Kịp thời phổ biến nội dung các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành có liên quan đến vùng cao, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…”-Phó Tổng Biên tập Lương Duy Danh chia sẻ.

Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Gia Lai Bùi Tấn Sỹ phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Gia Lai Bùi Tấn Sỹ phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy

Tại buổi tọa đàm, các thế hệ người làm Báo Gia Lai cùng ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ từ ngày đầu xuất bản cũng như bày tỏ sự vui mừng trước sự đổi mới, phát triển không ngừng của ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai. Chị Kpă H’Kliu-Biên dịch viên tiếng Jrai của Báo ảnh Gia Lai-bày tỏ: “Từ một người làm trong ngành Giáo dục chuyển sang làm biên dịch viên tiếng Jrai cho báo chí, ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn. Song trong quá trình làm việc, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ban Biên tập cùng các đồng nghiệp, công việc ngày càng thuận lợi. Đặc biệt, tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi được góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn bộ ngôn ngữ viết của dân tộc”.

Dịp này, các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến quý báu, những giải pháp thiết thực để phát triển hơn nữa Báo ảnh Gia Lai. Chứng kiến sự ra đời và theo dõi sát sao hành trình phát triển của ấn phẩm đặc biệt này, nhà báo Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai-tâm tư: “Chúng ta cần phải rà soát số lượng người Jrai, Bahnar biết chữ để phát hành số lượng phù hợp, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, phải làm sao để tờ báo ảnh còn là một tài liệu học tập chữ Jrai, Bahnar hữu ích cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc đưa tờ báo vào các trường học có 50% con em người dân tộc thiểu số để dạy chữ bản địa cũng là điều nên làm”. Đối với nhà báo Bùi Tấn Sỹ-nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai, ông cho rằng cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng ảnh trên ấn phẩm. “Làm ảnh báo chí đã khó, làm ảnh báo chí trên tờ báo ảnh lại càng khó hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng nên cố gắng sử dụng hết những từ ngữ của người bản địa, hạn chế vay mượn để thấy hết sự phong phú của ngôn từ Jrai, Bahnar”-ông Sỹ nhấn mạnh.

Cũng nhân kỷ niệm số báo 1.000, ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai bắt đầu được đăng tải vào thứ 6 hàng tuần trên Báo Gia Lai điện tử (https://baogialai.com.vn/bao-anh/). Đối với sự kiện này, nhà báo Nguyễn Thanh Phong-cựu Biên tập viên Báo Gia Lai-cũng nêu ý kiến: Việc xuất bản ấn phẩm Báo ảnh Gia Lai lên trang báo điện tử cần thiết bổ sung thêm tin tức thời sự quốc tế. Bởi chúng ta đưa ấn phẩm môi trường internet tức là đã đưa tờ báo ra không gian rộng lớn hơn, tiếp cận với cả thế giới.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Tổng biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp của các thế hệ người làm báo đối với Báo Gia Lai nói chung, Báo ảnh Gia Lai nói riêng. Nhà báo Huỳnh Kiên cũng ghi nhận và tiếp thu các đóng góp hết sức quý báu của các đại biểu tại buổi tọa đàm. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục cải tiến sử dụng bộ chữ Jrai, Bahnar, đổi mới nội dung cũng như bổ sung thông tin để giúp tờ Báo ảnh Gia Lai ngày càng tốt hơn, thực sự là cầu nối thông tin đến với độc giả, nhất là người dân tộc thiểu số”-Tổng Biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm