Thời sự - Bình luận

Cạm bẫy kim tiền, cám dỗ khiến cán bộ sa ngã, vướng vòng lao lí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ án “chuyến bay giải cứu” chỉ là một trong nhiều vụ án mà ở đó nhiều quan chức cấp cao sa ngã, vướng vòng lao lí bởi chính họ vì lợi ích cá nhân mà đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị dẫn giải vào phòng xử hôm 11.7. Ảnh: Quang Việt

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị dẫn giải vào phòng xử hôm 11.7. Ảnh: Quang Việt

Sức hút, ma lực của đồng tiền dễ khiến cán bộ sa ngã

TAND Hà Nội đang mở phiên toà xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” với hơn 50 bị cáo hầu tòa. Trong đó có nhiều người là cựu Thứ trưởng, cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, Cục của Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan, ban ngành…

Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch.

Cáo trạng cho thấy, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách li tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9.2020 đến tháng 12.2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong lúc dịch COVID-19 căng thẳng. Các bị can đã lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi.

Vụ án “chuyến bay giải cứu” chỉ là một trong nhiều vụ án mà ở đó nhiều quan chức cấp cao sa ngã, vướng vòng lao lí bởi chính họ vì lợi ích cá nhân mà đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Điều này cho thấy, việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức công vụ trước những cám dỗ, ma lực của kim tiền là rất cần thiết.

Rèn luyện, giữ gìn đạo đức công vụ

Tại nước ta, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xác định là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp. Trong môi trường công vụ, đạo đức đóng vai trò quan trọng để đảm bảo sự chính trực, trung thực và hiệu quả của hoạt động hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, cán bộ công chức thường phải đối mặt với nhiều cám dỗ và áp lực có thể ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức của họ. Vì vậy, rèn luyện đạo đức công vụ là một yếu tố cần thiết để giúp cán bộ tránh khỏi cám dỗ và xây dựng được tinh thần làm việc đúng đắn và trách nhiệm.

Cán bộ cần nhận thức rõ rằng, đạo đức công vụ không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với xã hội và quốc gia. Đạo đức công vụ là nền tảng để xây dựng niềm tin và tạo động lực cho sự phát triển bền vững. Ở đó, đạo đức công vụ đòi hỏi cán bộ phải hiểu rằng, công việc của họ không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân mà còn đóng góp vào sự phát triển xã hội.

Đạo đức công vụ cũng đòi hỏi cán bộ phải nhận thức rõ vai trò của mình trong việc xây dựng và bảo vệ lợi ích quốc gia. Cán bộ phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, tránh những hành vi thiếu trung thực, lạm dụng quyền lực và tạo ra sự không công bằng từ đó gây ra những hậu quả khác cho xã hội. Đạo đức công vụ còn là nền tảng để xây dựng niềm tin từ công dân và xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “cán bộ là gốc của mọi công việc” và công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, phải biết cách lựa chọn, sử dụng và không ngừng bồi dưỡng cán bộ để cái vốn quý đó ngày càng to lớn lên theo yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Xây dựng phẩm chất đạo đức là một trong những yếu tố then chốt trong xây dựng văn hóa công vụ ở nước ta. Cán bộ cần rèn luyện và xây dựng các phẩm chất đạo đức cơ bản như trung thực, tôn trọng, trách nhiệm, công bằng, lòng dũng cảm và nhân ái. Đạo đức là hành động vì vậy đạo đức công vụ không chỉ tồn tại trong lí thuyết mà cần được thể hiện trong hành động thực tế. Cán bộ cần áp dụng nguyên tắc đạo đức trong việc quyết định, xử lí công việc và tương tác với công dân.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội

Có thể bạn quan tâm