Du lịch

Campuchia: Những điều thú vị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhắc đến du lịch Campuchia, mọi người thường nghĩ ngay đến việc thăm đền Angkor cổ kính, độc đáo, tuy nhiên ở đây còn rất nhiều điều thú vị để du khách khám phá như những phong tục tập quán về cưới hỏi, cách ẩm thực hấp dẫn của người dân địa phương…

Khăn hồng, khăn vàng treo cửa

 

Nhà nào có con gái lớn tuổi mà chưa lấy chồng người ta treo vải màu hồng. Ảnh: Bích Nga
Nhà nào có con gái lớn tuổi mà chưa lấy chồng trước cửa treo vải màu hồng. Ảnh: Bích Nga

Cũng giống như một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhà ở của người dân Campuchia chủ yếu là nhà sàn. Điều đặc biệt gây chú ý đối với du khách nhất là các cửa chính, cửa sổ của những ngôi nhà ở đây đều có treo các màn (rèm) vải với nhiều màu khác nhau. Nhà nào có con gái lớn tuổi mà chưa lấy chồng người ta treo vải màu hồng. Nhà nào treo màn vải màu vàng là có con trai từ 12 tuổi trở lên đang đi tu trả hiếu cho cha mẹ.

Phong tục treo rèm vải theo màu sắc đã có từ lâu đời trên xứ sở đền đài này, bởi trước đây người dân Campuchia, nhất là vùng nông thôn sống thưa thớt, nhà nhà cách xa nhau nên treo rèm theo màu nào, cho việc gì được người dân thỏa thuận ngầm với nhau, sau đó rèm trở thành một “tín hiệu” không thể thiếu để thông báo gia cảnh cho mọi người biết và để… các chàng trai tiện tìm vợ nơi vùng đất có dân số khá ít này.

Với tục treo khăn hồng thì những gia đình có con gái khi bước sang tuổi 16, bố mẹ sẽ treo một cái khăn hồng trước cửa (có nhiều con gái thì bố mẹ phải treo ở cả cửa chính và cửa sổ, hoặc treo chồng lên nhau) cho đến khi cô gái đi lấy chồng mới được tháo xuống. Chính phong tục treo khăn này đã đem lại không ít chuyện vui để hướng dẫn viên du lịch ở đây kể làm quà cho du khách, họ kể rằng: Có một chàng trai nọ đến nhà có treo khăn hồng để tìm vợ, khi vào nhà anh ta gặp một bà lão và hỏi dò “Cháu muốn tìm hiểu cháu gái của bà để cưới làm vợ có được không ạ?”. Bà cụ ngước nhìn chàng trai một lúc rồi cười bẽn lẽn: “Cậu trẻ quá! Sao làm chồng của bà được”… Câu chuyện này cũng là kinh nghiệm để đời cho những chàng trai Campuchia khi đi tìm vợ, họ đoán tuổi của các cô gái dựa vào “độ” cũ kỹ của những chiếc khăn hồng treo trước nắng gió thời gian.

 

 Người đi tu rất được tôn trọng ở Campuchia. Ảnh: Bích Nga
Người đi tu rất được tôn trọng ở Campuchia. Ảnh: Bích Nga

Người Campuchia theo mẫu hệ, do đó nếu chàng trai để ý cô gái nào thì sẽ đến ở nhà cô gái ấy làm “rể hờ” ba năm, tất nhiên trong ba năm đó chàng trai hoàn toàn không được động gì đến cô gái và sống y như một người hầu trong nhà. Sau ba năm nếu cô gái ưng thì sẽ cưới làm chồng. Nhưng tập tục ở rể đã được bãi bỏ vì nhiều gia đình lợi dụng chuyện ở rể để có người lao động nhưng cô gái lại không bao giờ ưng. Bây giờ, chàng trai nào thích cô gái nào thì cứ việc đến nhà dạm ngõ và thường sẽ được người nhà bên vợ hỏi rằng “có đi tu chưa?”, nếu chưa đi tu thì chàng trai sẽ bị từ chối thẳng.

Người Campuchia rất coi trọng việc tu học của người con trai trong nhà, nhà nào có con trai đến 12 tuổi là phải cho đi tu để trả hiếu cho cha mẹ, thời gian tu có thể là 3 năm, 3 tháng hoặc 3 tuần, nhưng không được dưới 3 ngày. Trong thời gian tu học người con trai rất được kính trọng, cha mẹ có gặp con cũng phải chắp tay cúi chào vì họ đang chào một vị tu sĩ. Và người ta quan niệm những người có đi tu thì sẽ biết đạo lý hơn, sống tốt hơn... Chính vì vậy đến đất nước Campuchia nếu nhìn thấy trên cửa nhà nào có treo khăn vàng thì ngầm hiểu gia đình ấy đang có con trai đi tu học.

Bắt côn trùng làm thực phẩm

 

Bẫy bắt côn trùng. Ảnh: Bích Nga
Bẫy bắt côn trùng. Ảnh: Bích Nga

Đất nước Campuchia có diện tích khoảng 181.040 km2 với dân số trên 13 triệu dân, nên dễ hiểu là vì sao đất ở đây còn rất nhiều. Người Campuchia có thói quen làm ruộng một vụ, vào mùa mưa, ít canh tác hoa màu và không sử dụng phân bón thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật nên côn trùng phát triển và sinh sống rất nhiều, đặc biệt là con dế...

Trên đường đi có thể nhìn thấy vô số những bẫy bắt dế và những côn trùng khác của người dân ở ngay các bìa ruộng hoặc chung quanh sân nhà. Bẫy là những khung tre, có kích thước cao chừng 2 mét, ngang khoảng 3 mét và một miếng ni lông màu trắng phủ lên trên, phía dưới gần mặt đất khung và ni lông được uốn cong như một cái máng có chứa nước muối loãng. Ban đêm người ta gắn một bóng đèn thắp sáng bằng bình ắc quy, các loại côn trùng có cánh, bắt ánh đèn, tới tấp bay đến, chạm tấm chắn bằng ni lông trơn nên tuột xuống máng nước muối phía dưới. Sáng ra người ta vớt và phân loại côn trùng hoặc để làm thức ăn hoặc đem bán kiếm thêm thu nhập. Mỗi tấm chắn như vậy bắt được khoảng 3-5 kg côn trùng mỗi đêm, và 1 kg dế có thể bán được từ 70 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng Việt Nam nên người dân ở đây có thể xóa đói bằng nghề… bắt côn trùng.

Ở Campuchia, khu vực nông thôn, dường như nhà nào cũng có “bẫy dế” như thế. Dế bắt được, để nguyên chân và đầu cánh, chỉ cần bóp bỏ thức ăn trong bụng là có thể bỏ vào chảo chiên, không cần tẩm ướp nhiều vì côn trùng đã… uống no nước muối khi bị rơi vào bẫy. Trên đường từ Siem Reap đi Phnôm Pênh, có thể bắt gặp nhiều nơi bán dế, nhện, niềng niểng… chiên giòn và cả những con nhện sống, to cỡ ngón tay cái đen tuyền. Nhìn những món “đặc sản” ấy thú thật tôi không dám ăn vì cảm giác sợ hãi, tuy nhiên vài người đi trong đoàn khi ăn thử đều tấm tắc khen rất ngon...

Bích Nga

Có thể bạn quan tâm