Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Cán bộ giới thiệu ứng cử Chủ tịch tỉnh khóa tới phải ở tuổi nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong phụ lục Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tới tiến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có quy định rõ độ tuổi của người được giới thiệu tái cử cấp ủy, người có dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015 -2020 (ảnh minh họa, ảnh báo quảng ninh).
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015 -2020 (ảnh minh họa).


Theo đó, người lần đầu tham gia cấp ủy cấp tỉnh: ít nhất nam sinh từ tháng 9/1965 và nữ sinh từ tháng 9/1970 trở lại đây (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như đối với nam).

Đối với cấp huyện: ít nhất nam sinh từ tháng 6/1965, nữ sinh từ tháng 6/1970 trở lại đây.

Như vậy vào năm 2020 khi diễn ra Đại hội Đảng bộ, người sinh năm 1965 nếu tham gia vào cấp ủy cấp tỉnh và cấp huyện lần đầu sẽ ở tuổi 55; còn đối với người sinh 1970 sẽ ở tuổi 50.

Đối với người được giới thiệu tái cử cấp ủy, đối với cấp tỉnh: Nam sinh từ tháng 3/1963 và nữ sinh từ tháng 3/1968 trở lại đây (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như nam). Riêng các đồng chí có dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026 (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch –PV): Nam sinh từ tháng 9/1963 và nữ sinh từ tháng 9/1968 trở lại đây (trừ các trường hợp được kéo dài thời gian công tác như đối với nam). Riêng đối với các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng sẽ do Bộ Chính trị nghiên cứu, xem xét trình Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Đối với cấp huyện: Nam sinh từ tháng 12/1962 và nữ sinh từ tháng 12/1967 trở lại đây. Riêng các đồng chí có dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026: Nam sinh từ tháng 9/1963 trở lại đây và nữ sinh từ tháng 9/1968 trở lại đây.

Về quy trình nhân sự đối với các đồng chí tái cử cấp ủy được thực hiện theo 5 bước:

Bước 1: Tổ chức hội nghị ban thường vụ cấp ủy (lần 1);

Bước 2: Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy ý kiến giới thiệu (bằng phiếu kín) theo danh sách nhân sự tái cử đã được ban thường vụ cấp ủy xem xét, thông qua ở bước 1 (hội nghị được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt);

Bước 3: Tổ chức hội nghị ban chấp hành đảng bộ (lần 1);

Bước 4: Tổ chức hội nghị ban thường vụ cấp ủy (lần 2);

Bước 5: Tổ chức hội nghị ban chấp hành đảng bộ (lần 2).

Nguyên tắc giới thiệu, lựa chọn: Nhân sự được giới thiệu, lựa chọn phải đạt tỷ lệ phiếu đồng ý trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập ở các bước (riêng bước 2 tính trên số đại biểu có mặt); kết quả kiểm phiếu được công bố tại các hội nghị.

Đối với nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy, quy trình thực hiện cũng được tiến hành theo 5 bước.

Đối với Chủ tịch UBND tỉnh, thành, ngoài việc bảo đảm đầy đủ khung tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn Ủy viên BCH TƯ, cần có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương và đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành còn phải có năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy, HĐND thành chương trình, kế hoạch của ủy ban nhân dân và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phải có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc quyền và UBND cấp dưới; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến quản lý nhà nước ở địa phương.

Có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách phát triển địa phương...



PV (Theo Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm