Theo quy định về chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân, người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân...
Người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị xử phạt đến 100 triệu đồng đối với hành vi trả lương không đúng hạn cho người lao động. Ảnh minh họa: T.V |
Cán bộ tư pháp không được nhận xét vào sơ yếu lý lịch của công dân
Thông tư 01/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch có hiệu lực từ ngày 20.4 tới.
Theo quy định về chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân, người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình...
Taxi được lựa chọn gắn hộp đèn hoặc không
Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô có hiệu lực từ ngày 1.4.2020. Theo nghị định này, taxi và taxi công nghệ (ví dụ Grab taxi) được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.
Đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.
Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải. Phần mềm phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
Tung tin giả lên Facebook có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, chính thức có hiệu lực từ ngày 15.4.2020.
Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong 8 nhóm hành vi tại Khoản 1 Điều 101. Đơn cử như: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn. Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Bên cạnh việc phạt tiền, người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin vi phạm khỏi các trang mạng xã hội.
Theo ÁI VÂN (LĐO)