Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Cần cơ chế cụ thể để giám sát cán bộ, đảng viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố kết luận về những sai phạm của lãnh đạo một số Tỉnh ủy, Thành ủy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Những sai phạm ấy được đánh giá là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, lòng tin của nhân dân. Vì sao những sai phạm, khuyết điểm ấy xảy ra trong thời gian dài, có tính hệ thống mà cấp ủy tại chỗ không kịp thời chấn chỉnh? Phải chăng chúng ta chưa làm tốt công tác giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
 

 

Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước, lấn sân chính quyền, gây mất đoàn kết nội bộ; không trung thực trong kê khai, sử dụng bằng cấp, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và quy định những điều đảng viên không được làm, thiếu gương mẫu trong đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Ban Bí thư về quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy với các Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng; vi phạm trong thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, bổ nhiệm người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện… là những khuyết điểm, sai phạm chính của lãnh đạo một số Tỉnh ủy, Thành ủy được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận mới đây.

Những tập thể, cá nhân vi phạm rồi đây sẽ phải nhận hình thức kỷ luật tương xứng. Những sai phạm kiểu này liên tục được phát hiện và xử lý thời gian qua là lý do mà tháng 6 vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương đã yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng một bản cam kết nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Quy định về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Đây là cơ sở quan trọng để MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân giám sát việc rèn luyện tu dưỡng của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, đây là một việc khó, vì việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của đảng viên chủ yếu là tự phê bình và phê bình, phụ thuộc chính vào ý thức tự giác của mỗi người. Giám sát mà làm không khéo thì sẽ trở thành hình thức.

Trong bối cảnh tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã không giữ được mình, thoái hóa về đạo đức, lối sống làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Bài học đắt giá về “mất” cán bộ liên quan đến các vụ án lớn vừa qua có nguyên nhân chủ yếu là do những cán bộ, đảng viên đó không giữ được mình, đánh mất danh dự, tổn thương uy tín của Đảng. Việc để lọt vào Trung ương những cán bộ thiếu trung thực, không đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức như vừa qua cho thấy công tác giám sát, đánh giá cán bộ chưa tốt, còn cảm tính, biểu hiện của lợi ích nhóm. Vì vậy, không gì hơn là phải giám sát cán bộ, đảng viên thông qua hiệu quả việc làm cụ thể. Ông Nguyễn Tiến Dĩnh-nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng: “Muốn đánh giá đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, không thể xem trong quá trình anh tu dưỡng, mà là biểu hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao ra sao? Thực tiễn lãnh đạo sẽ nói lên tất cả”.

Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt khi mới nhậm chức thường nói rất hay về truyền thống gia đình, về sự năng động của cán bộ trẻ tuổi, rồi đột phá cái này, đột phá cái kia… nhưng qua thời gian, người ta mới nhận ra rằng, những phát ngôn “ấn tượng” ấy cũng chỉ là trò PR bản thân mà thôi. Cái chính là anh đã làm được gì để đáp lại sự kỳ vọng của đảng viên và nhân dân! Những biểu hiện chuyên quyền, mất dân chủ trong quá trình lãnh đạo không được giám sát, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời, lâu dài sẽ trở thành sai phạm có hệ thống, gây ra nhiều hậu quả xấu cho uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân.

Vì vậy, để ngăn chặn những sai phạm có thể xảy ra đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt, cần có quy chế, quy định cụ thể về việc giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Ông Trần Ngọc Đường-nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: “Phải làm rõ phương thức giám sát, giám sát bằng cách nào? Bằng hội nghị do MTTQ tổ chức hay là bằng việc phản ánh của tập thể những người làm công tác Mặt trận. Cách thức tổ chức việc giám sát này quy định không rõ thì khó thực hiện và sẽ chỉ là hình thức. Muốn được việc thì phải quy định rõ nội dung, hình thức và phương thức giám sát mới thực hiện được”.

Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm giữ vị trí chủ chốt là vấn đề mới. Từ trước đến nay chưa có cơ chế hoặc quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nội dung này. Bởi vậy, quy định rõ hình thức và phương thức giám sát là hết sức cần thiết, bên cạnh việc nêu cao ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành Quy định những điều đảng viên không được làm, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật và lợi dụng quyền lực để trục lợi, dẫn đến đánh mất danh dự, tổn thương uy tín của Đảng.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm