Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Cần coi trọng giáo dục tinh hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thân Nhân Trung thời Hậu Lê có câu để đời và đúng với mọi thời đại, mọi quốc gia: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia; nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.

Sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào chất lượng của tầng lớp tinh hoa-các bậc anh tài ở mọi giới, mọi ngành. Đã gọi là tinh hoa thì không có nhiều, tức đó là những con người ở đỉnh cao của tài năng và trí tuệ. Một con người dù thiên bẩm có tư chất thông minh hơn người nhưng nếu không xuất thân từ một gia đình, đất nước có nền giáo dục tốt thì khó trở thành nhân tài mà có khi là ngược lại-bị thui chột. Do vậy, giáo dục tinh hoa đã và đang được nhiều nước tiên tiến rất chú trọng nhằm tạo ra những đỉnh cao để cạnh tranh mạnh mẽ trong thế giới khoa học công nghệ đổi mới hàng ngày, hàng giờ.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), chúng ta kết hợp giữa giáo dục tinh hoa và giáo dục đại chúng, phổ cập đến mọi tầng lớp nhân dân. Ưu điểm của việc phổ cập giáo dục là từng bước nâng cao dân trí, mặt bằng trình độ học vấn ngày càng được bồi đắp, nhận thức xã hội tiến bộ hơn, từ đó làm động lực phát triển kinh tế ở mức cao. Nhưng nếu trong chính sách phát triển giáo dục chỉ nhìn dưới giác độ bình quân, cào bằng thì sẽ làm hạn chế sự vươn lên của các tài năng.

Do vậy, kiến tạo một nền giáo dục có không gian học thuật mở với một triết lý sâu rộng sẽ mở ra cánh cửa cho mỗi cá nhân có điều kiện phát triển tốt nhất. Giáo dục ở Mỹ là một nền giáo dục cởi mở nhất, đáp ứng cho mọi đối tượng có nhu cầu học tập. Tuy nhiên, càng học lên cao thì độ phân hóa càng lớn và con đường đi cho những tài năng càng mở rộng, đạt đến đỉnh cao của tri thức. Đặc thù của giáo dục Mỹ là các trường không theo chương trình thống nhất; không có sách giáo khoa chung; học sinh có quyền học tại nhà (homeschooling) vẫn được công nhận học lực; nhà trường được xem là mô hình doanh nghiệp. Sở dĩ Mỹ được thế giới tôn vinh là siêu cường bởi đây là quốc gia có nhiều thành tựu sáng tạo về khoa học kỹ thuật nhất, có nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel hàng năm, là cái rốn thu hút học sinh, sinh viên thế giới đến học nhiều nhất và cũng là môi trường dung nạp các nhân tài trên thế giới.

Giáo dục đại trà ở Việt Nam đã và đang đạt mức phổ cập trung học, đó là sự nỗ lực lớn trong hơn 70 năm qua từ một nước thất học với 90% dân số mù chữ. Giáo dục phổ thông chúng ta tuy có những khiếm khuyết nhất định nhưng so với mặt bằng chung các quốc gia trên thế giới thì không đến nỗi tụt hậu quá xa. Tuy nhiên, giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam, nơi cung cấp nguồn nhân lực bậc cao cho xã hội, chậm đổi mới và chất lượng đào tạo không tương xứng với yêu cầu phát triển. Tinh thần thực học, tự nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo ở các trường đại học Việt Nam dường như chưa được coi trọng; cộng với thói sính bằng cấp trong một bộ phận giới học thuật và viên chức đã tạo ra một lớp người xa rời khoa học.

Người ta nhận định rằng, về thực chất đào tạo các nhà khoa học Việt Nam hiện nay, có những nơi chỉ đào tạo ra những người hành nghề hướng dẫn khoa học cho người khác. Thực trạng, chúng ta đang có đội ngũ trí thức trong nước có học vị tiến sĩ, thạc sĩ và hàm giáo sư, phó giáo sư khá cao so với các nước trên thế giới; nhưng ngược lại sự đóng góp cho khoa học thì rất ít. Nhiều người cả đời không có một công trình nghiên cứu sáng giá nào. Nhìn vào bảng công bố các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế hàng năm của các trường đại học Việt Nam và các trường đại học các nước trong khu vực, chúng ta có thể thấy mình đang đứng ở vị trí rất thấp trên mặt bằng nghiên cứu khoa học! Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khá trăn trở tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu về khoa học năm 2017 khi so sánh số công trình khoa học công bố trên tạp chí ISI của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Singapore.

Giáo dục tinh hoa ở Việt Nam không phải nhìn vào trường chuyên, lớp chọn mà phải đưa tinh thần thực học đúng nghĩa đến với từng học sinh, sinh viên; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu ở các trường đại học, học viện; tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo một cách độc lập, khách quan, khoa học để phấn đấu có các trường đại học lọt vào top những trường đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm