Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Cần giám sát tối cao các công trình nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ghi nhận chủ trương xây 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là kịp thời, song đại biểu Quốc hội cho biết thực tế triển khai ở địa phương gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu QH cho biết thực tế triển khai chương trình xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở địa phương gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Đại biểu QH cho biết thực tế triển khai chương trình xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở địa phương gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 4/2023. Mục tiêu của đề án là phát triển nhà ở có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập thấp, trung bình ở khu vực đô thị và người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Về thực tế triển khai đề án này ở địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã có chia sẻ bên hành lang nghị trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Địa phương gặp nhiều khó khăn

- Là tỉnh có quy hoạch quỹ đất làm nhà ở xã hội nhiều nhất cả nước, được biết Đồng Nai đang nỗ lực để đạt mục tiêu 10 nghìn căn hộ, xin bà cho biết thực tế triển khai của đề án này ở địa phương thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý: Về nhà ở xã hội, Đồng Nai được lãnh đạo địa phương rất quan tâm. Đặc biệt, tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành nghị quyết và hội đồng nhân dân cũng có nghị quyết chuyên đề về nội dung này.

Trong chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết 05/NQ-CP, tỉnh cũng đưa ra chỉ tiêu để thực hiện xây dựng nhà ở xã hội. Đến thời điểm này, các dự án đang nhận được sự quan tâm và triển khai thuận lợi hơn. Đồng Nai có gần 1,3 triệu người lao động, trong đó lực lượng trong công đoàn cũng rất đông, nên đến thời điểm này nhà ở xã hội so với nhu cầu thực tế là chưa đạt nhưng so với kế hoạch và chỉ tiêu nghị quyết thì đang được thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Theo thông tin từ sở xây dựng cung cấp, trong đầu năm 2024, một dự án về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đã được khởi động ở Đồng Nai. Như vậy, tôi cho rằng chủ trương lớn từ Trung ương cũng như địa phương đã triển khai kịp thời.

- Chủ trương là vậy, nhưng theo bà đâu là thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại địa phương?

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý: Đối với Đồng Nai, do là địa phương phát triển công nghiệp từ rất sớm với số lượng 32 khu công nghiệp dàn trải trên toàn tỉnh, rải rác từ thành phố Biên Hòa đến các huyện trên địa bàn tỉnh, nên khó khăn nhất trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp vẫn là vị trí đất thuận lợi để xây dựng.

Hiện nay, những vướng mắc đang được từng bước tháo gỡ, tôi hy vọng trong thời gian tới mục tiêu của tỉnh sẽ đạt được và người lao động sẽ được thụ hưởng thành quả từ những dự án được triển khai kịp thời.

Nhà trọ công nhân tại các khu công nghiệp đều có diện tích nhỏ, gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày với các hộ gia đình. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhà trọ công nhân tại các khu công nghiệp đều có diện tích nhỏ, gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày với các hộ gia đình. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cần giám sát tối cao các công trình nhà ở xã hội

- Với vai trò đại diện cho người lao động, thời gian qua Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã có những động thái nào giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng nhà ở xã hội cho người dân?

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý: Ở góc độ là tổ chức đại diện cho người lao động, cũng trên tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương, với trách nhiệm của tổ chức công đoàn chúng tôi luôn đồng hành cùng các cơ quan chức năng địa phương, đặc biệt là sở xây dựng thường xuyên nắm bắt nhu cầu cũng như tình hình nhà ở của người lao động, đặc biệt tại các khu nhà trọ.

Không chỉ khảo sát, chúng tôi còn cùng các cơ quan hữu quan phối hợp với chủ các khu nhà trọ nỗ lực nâng cao điều kiện sống cho người lao động ở các khu nhà này, hướng tới cùng các cấp các ngành địa phương triển khai dự án nhà ở xã hội.

Mặc dù thực tế việc xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng mong muốn làm sao sớm có những không gian đáp ứng được nhu cầu tương đối của người lao động.

- Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý: Vấn đề này cũng xuất phát từ thực tế là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có tham gia và làm chủ đầu tư một số dự án nhà ở xã hội cho người lao động triển khai ở một số địa phương.

Dự án khu nhà ở xã hội A6-A7 ở thành phố Biên Hòa đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Dự án khu nhà ở xã hội A6-A7 ở thành phố Biên Hòa đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ở Đồng Nai, một số dự án cũng đã nằm trong kế hoạch, cho nên nếu phần chủ động thuộc về Tổng liên đoàn thì tôi cho rằng đây cũng là điều kiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, đặc biệt đối với công nhân.

- Thực tế, một số đại biểu cũng đề nghị Quốc hội nên lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trọng tâm là nhà ở xã hội. Vậy bà có đồng tình với quan điểm này không?

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý: Từ góc độ thực tiễn, tôi thấy cần thiết phải thực hiện chương trình giám sát này, để dần dần mục tiêu cũng như ý nghĩa của các công trình nhà ở xã hội đến được với người thực sự có nhu cầu, đúng với đối tượng mà chương trình hướng tới.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Có thể bạn quan tâm