Thời báo New York dẫn nguồn tin ẩn danh quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất, bao gồm Hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) để tấn công Nga.
Cũng trong ngày 17/11, tờ RBC-Ukraine dẫn thông tin từ báo Le Figaro (Pháp) rằng, Paris và London cũng đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow của mình với mục đích tương tự.
Như vậy, Lực lượng Vũ trang Ukraine hiện có thể tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không chỉ bằng tên lửa ATACMS của Mỹ mà còn bằng SCALP và Storm Shadow của Pháp và Anh.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski lên tiếng hoan nghênh thông tin Tổng thống Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga, yêu cầu mà Kiev luôn hối thúc suốt nhiều tháng qua.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga là tín hiệu nguy hiểm, và rằng động thái này có thể khiến xung đột leo thang.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có đảo ngược quyết định ( viện trợ vũ khí cho Ukraine, PV) khi ông nhậm chức vào tháng 1 hay không, ông Peskov đã từ chối bình luận trực tiếp. Thay vào đó, ông cảnh báo rằng nếu thông tin trên được xác nhận, chắc chắn xung đột sẽ bước vào một vòng xoáy mới.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine trong vòng 24 giờ nếu đắc cử. Những người ủng hộ ông đã cáo buộc Tổng thống Biden đang làm suy yếu các cam kết của ông Trump bằng cách thúc đẩy xung đột leo thang.
Lo ngại về điều đó, ngày 18/11, Bộ trưởng Hungary Szijjártó đã chỉ trích Mỹ vì cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga bằng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp.
Trong bài đăng trên Facebook, ông Szijjártó viết rằng những người ủng hộ xung đột "đã phát động cuộc tấn công tuyệt vọng cuối cùng vào thực tế mới... thậm chí còn không hề né tránh điều tồi tệ nhất: mở rộng khủng hoảng ở Ukraine ra quy mô toàn cầu".
Chủ tịch Kim Jong-un cũng phản đối kịch liệt vấn đề viện trợ vũ khí làm leo thang các cuộc xung đột và tiềm ẩn chiến tranh thứ 3.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 4 của các Chỉ huy tiểu đoàn và Chính trị viên của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) hôm 17/11, ông Kim Jong-un nói: "Cho đến nay, các thương gia chiến tranh vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel, và tiếp tục hỗ trợ cho cuộc chiến", đề cập đến xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas ở Trung Đông.
"Do đó, ngày càng có nhiều quốc gia tham gia cuộc chiến, tình hình bất ổn đang gia tăng có thể dẫn đến Thế chiến 3 và toàn cầu đang tiến gần đến ngưỡng nguy hiểm", nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo.
Còn ngày 18/11, Trung Quốc tỏ rõ quan điểm phản đối bất kỳ động thái nào có thể dẫn đến sự leo thang trầm trọng hơn trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TASS về thông tin trên truyền thông Mỹ về quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ viện trợ để tấn công nước Nga, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu cho hay: "Lập trường của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và phản đối bất kỳ động thái nào có thể làm leo thang căng thẳng và làm leo thang tình hình khu vực".
Nhà ngoại giao nhấn mạnh Bắc Kinh ủng hộ giải pháp hòa bình và ngoại giao cho cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. "Thay vì đổ thêm dầu vào lửa và leo thang chiến sự, các bên liên quan nên nỗ lực tạo điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua đối thoại và đàm phán, đồng thời nỗ lực thực tế để duy trì hòa bình", ông nói thêm.