Xã hội

Gia đình

Cần loại bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những ngày qua, đoạn clip tham gia game show hẹn hò của anh chàng người Huế từ năm 2021 lại được cộng đồng mạng tiếp tục chia sẻ. Quan điểm “sẽ ly hôn nếu vợ không sinh được con trai”, đàn ông ngồi mâm trên, phụ nữ ngồi mâm dưới tiếp tục bị “ném đá” tơi tả vì lạc hậu, bảo thủ và quá nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Tôi chưa gặp trường hợp nào ly hôn vì lý do trên nhưng những gia đình bền bỉ tìm bằng được con trai thì đã chứng kiến không ít. Không đâu xa, người bác họ của tôi, vì quá mong mỏi có con trai nối dõi tông đường nên dù vợ đã sinh liền 5 người con gái, bác tôi vẫn nhất quyết phải đẻ tiếp. Và, có thể nói là may mắn khi lần sinh hạ thứ 6 đã giúp bác toại nguyện. 5 chị em gái âm thầm lớn lên, chịu nhiều ấm ức, tủi hờn khi cha mình chỉ cưng chiều đứa em trai út, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho người được kỳ vọng sẽ chăm lo hương khói sau này. Tương tự, hàng xóm cũ của gia đình tôi sinh được 4 người con gái. Để tìm kiếm con trai, nghe ở đâu có thầy hay, thuốc tốt là vợ chồng họ tìm đến. Vài năm sau, khi con đầu vào học đại học thì vợ chồng họ cũng sinh được một cậu con trai. Niềm vui vỡ òa, họ làm thôi nôi cho cậu con linh đình như một đám cưới.

Bác Hai tôi mất sớm, ba tôi đành giữ vai trò là con trai trưởng trong gia đình có 5 anh em trai. Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi và em gái không ít lần nghe những lời nói châm chọc của người khác dành cho ba. Họ nói, ba tôi không có con trai nối dõi, không sinh được con trai là kém cỏi, không có con trai thì ngồi mâm dưới, ráng đẻ thêm đứa nữa mà kiếm con trai… Những lời ấy, chúng tôi đều nghe và hiểu hết. Ba tôi dù không nói lời nào, song trong những lần quá chén, nét buồn vẫn hiển hiện trên khuôn mặt. Sau này, khi chị em chúng tôi ăn học nên người, có cuộc sống ổn định và chăm lo được cho ba mẹ, người ngoài nhìn vào đôi phần ngưỡng mộ, ba tôi mới dần cởi bỏ được sức nặng tâm lý ấy.

Giờ đây, những người thuộc thế hệ trước như ba, các chú, bác của tôi đã dần loại bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Đó cũng là nỗ lực, là nhiệm vụ xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện bình đẳng giới. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, qua 6 năm (2016-2021) triển khai Tháng Hành động vì bình đẳng giới đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động; góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Dù vậy, tàn dư của tư tưởng này vẫn còn ở nhiều gia đình, nhiều vùng quê mà trường hợp của chàng trai nói trên là một điển hình.

Để có thể loại bỏ hoàn toàn tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn cần rất nhiều thời gian và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân. Không dừng lại ở việc truyền thông, tiếp xúc, đối thoại, việc thay đổi phải đến từ trong chính tư duy, suy nghĩ của mỗi người, nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội hiện đại.

Có thể bạn quan tâm