Cần mạnh tay hơn với nạn buôn lậu và gian lận thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến cuối năm, bao giờ cũng vậy, nhu cầu tiêu dùng tăng thì nạn buôn lậu, mua bán hàng giả, hàng dỏm, kém chất lượng, trốn thuế… cũng tăng theo. Làm gì để kiểm soát tình trạng này là một điều cần đặt ra cho các ngành hữu quan và chính quyền địa phương?

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) của tỉnh đã đánh giá: Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường phù hợp với tình hình thực tế và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh… Điều đó có thể thấy, dù có khó khăn nhưng các cơ quan chức trách cũng đã có sự chuyển biến trong lĩnh vực quản lý thị trường.

 

 

Tuy nhiên, việc làm được nói trên chưa thể nói là đã kiểm soát, hoặc chí ít là làm giảm đi tình trạng tiêu cực của thị trường trong cơ chế cạnh tranh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, kết luận: “…Công tác phối hợp giữa các lực lượng có lúc, có nơi chưa tốt; các sở, ngành thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành nhưng hiệu quả không cao; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc vẫn còn bày bán tràn lan, công khai tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ; gian lận thương mại về giá, thuế, chủng loại hàng hóa… diễn ra phổ biến, gây thất thu ngân sách nhà nước” (Thông báo của Văn phòng UBND tỉnh, số 13/TB-VP, ngày 17-11-2014).

Sở dĩ có chuyện như nêu trên, rõ ràng là công tác quản lý thị trường còn có vấn đề đáng quan tâm. Trước hết là việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực có liên quan đến với người dân, với doanh nghiệp, doanh nhân chưa tốt. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung và của những người liên quan đến sản xuất kinh doanh còn yếu. Nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn là có một nguyên nhân cốt yếu, đó là việc xử lý vi phạm chưa nghiêm. Sự xử lý chưa nghiêm này, không loại trừ có yếu tố tiêu cực, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chạy tội.

Chuyện buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng dỏm, tự đặt, tự nâng giá bán, ép mua giá thấp làm thiệt hại cho người tiêu dùng, tạo ra tiêu cực, thiếu bình đẳng trong kinh doanh, trong cạnh tranh, điều này chắc chắn ai cũng biết nó chỉ diễn ra vào những thời điểm, địa điểm nhất định; chẳng hạn ở các tuyến biên giới, cửa khẩu, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, khu vực tập kết hàng hóa lớn; và những thời điểm lễ, Tết, những ngày nghỉ kéo dài và những mặt hàng thiết yếu… Rồi chuyện “hậu kiểm” trong đăng ký kinh doanh, chuyện kê khai, đăng ký giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tạo tin ảo gây rối thị trường… những chuyện vừa kể qua chẳng ai còn xa lạ. Thế nhưng, nhiều ngành, chính quyền địa phương, rộng ra là cả… hệ thống chính trị nói thì “vào cuộc”, nhưng làm thì chưa thấy cuộc nào cho đặng?

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần xốc lại đội hình, loại bỏ “những tế bào bệnh” trong bộ máy, giáo dục ý thức tự giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thi hành công vụ, xây dựng và bảo vệ đội ngũ những người cung cấp thông tin liên quan đến công tác quản lý thị trường. Cùng với đó là kiên quyết xử lý thích đáng những người cố tình vi phạm ngay trong bộ máy những người thi hành công vụ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, cần mạnh tay xử lý đúng người đúng tội, công khai danh tính, địa điểm kinh doanh trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Một năm nữa sắp qua, những ngày lễ, Tết cuối năm sắp đến, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng cao, đó là môi trường thuận lợi cho buôn lậu và gian lận thương mại; chặn đứng tình trạng “đến hẹn lại lên” của tiêu cực xã hội này chính là góp phần quan trọng cho sản xuất kinh doanh phát triển, cạnh tranh trên thị trường lành mạnh, xã hội ổn định, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, ngân sách nhà nước không thất thu…

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm