Hội chứng… sợ yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội chứng Philophobia không chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý mà còn tác động về mặt thể chất, như thường xuyên khó thở, đổ mồ hôi, run rẩy, khóc lóc, ngược đãi bản thân, hay lên cơn hoảng loạn và có một sự thôi thúc phải chạy trốn. Đó cũng là lý do tại sao có người đã bỏ chạy ngay trước đám cưới “đẹp như mơ” của mình.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vừa rồi, bạn Nguyễn Xuân H. (TP. Pleiku) có gửi cho tôi câu hỏi: “Cháu có người bạn, đầy đủ phẩm chất và ngoại hình, học vấn và nữ công gia chánh, chăm chỉ và tài lẻ… Tóm lại là một cô gái đáng tin cậy và hấp dẫn, đủ điều kiện để đón nhận tình yêu và đi đến hôn nhân. Ấy vậy mà hễ làm bạn thì không sao, cứ chàng nào có ý định thắt chặt mối quan hệ và ngỏ lời cầu hôn là y như rằng cô ấy co cẳng chạy 100 mét. Hỏi thì cô ấy bảo rằng: Yêu còn đáng sợ hơn là chết! Cháu nên làm gì để giúp bạn mình?”.

Philophobia là tên gọi của hội chứng sợ yêu thương hay sự thân mật (“philo” tiếng Hi Lạp nghĩa là yêu, yêu thương). Những người mắc chứng này có xu hướng xem tình yêu là một điều rất đáng sợ: sợ yêu lầm người, sợ bị lừa dối trong tình yêu, sợ bị từ chối, sợ mất thời giờ dành cho công việc, sợ bị đau, sợ gây tổn thương cho người khác, sợ chia tay và tan vỡ… và nhiều nỗi sợ vu vơ khác nữa.

Có thể những gì họ chứng kiến và “nghe nói” về yêu đương khiến họ gạch luôn việc “yêu ai đó” trong danh sách mục tiêu của đời mình. Có thể những ký ức buồn trong quá khứ làm họ cảnh giác và không muốn mở lòng trước những mối quan hệ mới. Có thể họ không tin có ai đó sẽ làm mình hạnh phúc hoặc tự ti về bản thân đến nỗi không dám đến với ai… Đây không phải hội của những người nhút nhát, bởi trong số họ có cả những thủ lĩnh gan góc, “không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ… yêu!”.

Không phải họ không có cảm xúc yêu đương hoặc không biết “thả thính” làm cho người khác yêu mình. Những Philophobics này thích mơ mộng về một tình yêu lung linh, hoàn hảo, vượt thời gian nhưng lại không có can đảm gắn bó sống chết với một ai! Bởi thế lúc mới quen biết, họ thường tỏ ra tự tin, cuốn hút, dễ gần, sẽ có một khoảng thời gian hạnh phúc tạm thời khi mới “phải lòng”. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, tình cảm của họ nhanh chóng biến mất, nhường chỗ cho nỗi sợ hãi vô lý, tâm trạng thất thường và ám ảnh lo âu.

Hiện nay trên thế giới đã có nhiều phương pháp khắc phục “chứng sợ yêu” Philophobia như điều trị bằng thuốc, liệu pháp thôi miên hoặc tác động trực tiếp lên hệ thần kinh để điều chỉnh hành vi, nhận thức…

Trước mắt, bạn Xuân H. nên tìm hiểu xem tại sao bạn mình lại có nỗi sợ hãi vô lý đó. Có phải do trong quá khứ có ai đó khiến bạn tổn thương đến mức không còn tin vào tình yêu nữa, hay sâu thẳm bên trong bạn tự ti về bản thân mình, không nghĩ rằng mình xứng đáng yêu và được yêu? Hãy đặt ra càng nhiều câu hỏi càng tốt, giúp bạn hiểu thêm về nỗi sợ hãi của mình cũng như cách chữa trị nó. Cần trao đổi với bạn rằng, đừng đem những chuyện trong quá khứ ra dằn vặt mình nữa, điều cần làm là khởi động cho những dự định và mối quan hệ sắp tới.

Thứ hai, nếu sợ yêu thì hãy cứ làm bạn với nhau trước đi đã, đừng “cách ly” với những mối quan hệ có thể dẫn đến tình yêu. Cả hai nên dành thời giờ tìm hiểu, trò chuyện với nhau. Điều đó sẽ giúp cho bạn ấy có cái nhìn trọn vẹn hơn về tình yêu của mình và cũng giúp cho mối quan hệ lâu dài hơn.

 Bs. Nguyễn Lan Hải (TP. Hồ Chí Minh)

Có thể bạn quan tâm