(GLO)- Tuần qua, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã làm cái việc không nên làm, đó là công khai danh sách 300 ca khúc nhạc đỏ được phổ biến rộng rãi, trong đó có nhiều bài hát rất quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là bài “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Câu chuyện đã gây nên một sự phản ứng dữ dội trong xã hội, đến nỗi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải ra văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý của Cục Nghệ thuật Biểu diễn.
Bắt đầu từ việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cập nhật danh sách 300 ca khúc cách mạng được phép phổ biến rộng rãi. Thông tin này khiến nhiều người nghĩ là Cục NTBD bây giờ mới chính thức “cấp phép” cho các ca khúc trên được phổ biến. Người ta suy luận, “hóa ra lâu nay chúng ta toàn hát chui”, mà hát chui toàn những bài nổi tiếng, trong đó có cả bài “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao, được gia đình hiến tặng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, được chọn làm Quốc ca từ khi thành lập nước và quan trọng hơn là đã được ghi vào Hiến pháp.
Các thí sinh tham gia cuộc thi “Thần tượng bolero” 2017. Ảnh: K.N.B |
Từ một vài ý kiến trên mạng xã hội, thông tin được các báo đăng tải đồng loạt, các nhà văn hóa, nhà phê bình văn học nghệ thuật, giới nghệ sĩ, đại biểu Quốc hội… đều nhất loạt phản ứng cách làm của Cục NTBD, và cho rằng cách làm đó là không cần thiết, là thể hiện sự vụng về của Cục NTBD, nhất là sau những ồn ào xung quanh việc cấm một số ca khúc sáng tác trước năm 1975, trong đó có bài “Con đường xưa em đi”, rồi đến việc cấm biểu diễn bài “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Đến khi dư luận phản ứng dữ quá thì Cục này mới cấp phép trở lại.
Những tưởng sau những ồn ào như vậy, Cục NTBD đã nghĩ ra cách làm nào đó tốt hơn, vừa thể hiện được vai trò quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện cho việc phổ biến các tác phẩm âm nhạc thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, Cục NTBD lại làm thêm một việc rất kỳ khôi, khiến dư luận phản ứng gay gắt, bầu không khí văn hóa lại thêm một dịp lao xao. Đến nỗi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải ra công văn chỉ đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chấn chỉnh hoạt động của Cục này.
Là người gắn bó nhiều năm với đời sống âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Phó Đức Phương rất hồ hởi khi đọc được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong việc chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Theo đó, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, với sự chỉ đạo này, từ nay sẽ không tồn tại cơ chế xin cấp phép phổ biến các ca khúc sáng tác trước năm 1975 gây bức xúc dư luận như thời gian qua. Ông nói: “Việc tất cả cá nhân, tổ chức xã hội sử dụng tác phẩm của các tác giả và chủ sở hữu thì phải xin phép tác giả và chủ sở hữu. Luật đã ghi rõ. Còn các cơ quan quản lý nhà nước thì có trách nhiệm khác, phải kiểm duyệt, phải phát hiện những tác phẩm mà nó ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục quy định của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên khi phát hiện và ngăn cấm một tác phẩm nào mà nó có hại thì phải giải thích rõ ràng cho mọi người biết, chứ ngăn cấm một tác phẩm nào đó không thể dựa vào quyết định của một, hai người mà cần có một hội đồng”.
Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên, người có ca khúc nổi tiếng, sáng tác ngay trong ngày chiến thắng 30-4, bài hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” cũng nằm trong danh sách “300 ca khúc được phép phổ biến rộng rãi” của Cục NTBD thì cho rằng: Trong chiến tranh có những bài hát vừa ra đời là được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Đã có hàng chục triệu người hát bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” mà nay mới “có giấy phép được phổ biến rộng rãi” thì thật là vô duyên. “Tại sao lại quản lý những chuyện như thế, hãy để đời sống người ta chấp nhận. Tôi thấy cách làm như thế rất buồn cười. Kể cả bài Quốc ca cho đến bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của tôi bây giờ mới được cấp phép, bên Bộ giải thích bảo là chỉ để cập nhật thì đấy là vấn đề không cần thiết”-nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.
Nhà sử học-đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và nhiều đại biểu Quốc hội khác trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đều cho rằng: “Việc làm của Cục NTBD, nếu gọi là cấp phép thì không cần thiết nữa. Điều đó cho thấy công tác quản lý của Cục này là có vấn đề”.
Trước những bức xúc của dư luận, việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ra công văn yêu cầu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chấn chỉnh cho thấy tính nghiêm trọng của vụ việc. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngay trong cuộc gặp báo chí sáng 23-5, ông Nguyễn Thái Bình-Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, kiêm Người phát ngôn Bộ này cho biết, Bộ đã ra văn bản khẳng định: “Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm hại lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác...”. Ông Nguyễn Thái Bình khẳng định: “Hiện nay Cục NTBD đang tiếp tục rà soát, bổ sung cập nhật danh sách những bài hát được phổ biến rộng rãi, đối với những ca khúc còn lại mà chưa được cập nhật thì vẫn sử dụng như thời gian vừa qua. Nói cụ thể là những ca khúc có nội dung tốt, không trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và lợi ích của dân tộc, thì đương nhiên được phổ biến rộng rãi không cần cấp phép. Cấp phép phổ biến thì không cấp phép phổ biến nữa mà các tác giả và người sử dụng tự chịu trách nhiệm”.
Sau nhiều lần trốn tránh công luận những vụ việc trước đây liên quan đến công tác quản lý, cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, thì cuối cùng ông Nguyễn Đăng Chương-Cục trưởng Cục NTBD đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi: “Với cương vị là Cục trưởng Cục NTBD tôi xin nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm và cũng xin lỗi công chúng vì phương pháp làm việc của chúng tôi đã gây nên hiểu lầm và bức xúc cho bạn đọc. Để triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi có đưa ra 2 phương pháp, phương pháp thứ nhất là cập nhật những bài hát được phổ biến rộng rãi, phương pháp thứ hai là cập nhật những bài hát cấm như ý kiến của nhiều người. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chúng tôi nhận thấy rằng phương pháp cập nhật danh sách những bài hát được phổ biến rộng rãi thuận lợi hơn. Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo trực tiếp là không cập nhật những bài hát được phổ biến rộng rãi lên website”.
Lời xin lỗi đã được đưa ra. Dẫu sao, dư luận cũng phần nào thông cảm khi sự việc đã có người nhận sai, có người chịu trách nhiệm. Nhưng điều công chúng yêu âm nhạc trong cả nước mong mỏi là sẽ không còn những câu chuyện không đáng có như vậy xảy ra trong tương lai.
Nguyễn Vân