(GLO)- “Đến hổ dữ cũng không nỡ ăn thịt con huống chi là con người, là mẹ. Dạo gần đây, một vài vụ án đau lòng xảy ra khi chính mẹ đẻ lại đang tâm giết chết con mình khiến dư luận hết sức bất bình, phẫn nộ. Người bình thường chẳng ai làm thế, chỉ có những người rối loạn tâm thần sau sinh, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mới gây ra những việc đau lòng như trên. Ngẫm ra họ đáng thương hơn đáng trách…”-bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh-Bệnh viện Tâm Thần kinh chia sẻ.
Theo bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh, rối loạn tâm thần sau sinh là một bệnh lý không mới và không phải người phụ nữ nào sau sinh cũng mắc. Chỉ là, hầu như rất ít người quan tâm đến điều này. Nhiều gia đình thấy con gái, con dâu mình sau sinh có những biểu hiện lạ song vẫn cho rằng đó là bình thường do trải qua việc sinh nở đau đớn, thay đổi nội tiết tố. Tuy nhiên, chính vì sự thiếu quan tâm trên cộng thêm nhiều yếu tố khác khiến căn bệnh rối loạn tâm thần sau sinh của người phụ nữ ngày càng thêm nghiêm trọng.
Ảnh minh họa |
Vốn là một cô gái lanh lẹ, hoạt bát nhưng kể từ khi sinh con đầu lòng thì chị Trần Thị Mỹ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), hiện đang sinh sống cùng gia đình chồng tại xã Trà Đa, TP. Pleiku bỗng đổi tính đổi nết. Chị ít nói, ít ngủ, trầm lặng và có phần xa lánh con như không bế ẵm, không cho con bú… Cả nhà chồng chẳng biết chuyện gì đã xảy ra cho đến khi chị chỉ vào đứa con trai của mình và gào lên: “Nó là ma, nó không phải con tôi” và đòi giết đứa bé thì cả nhà mới hốt hoảng đưa con dâu đến bác sĩ chuyên khoa khám-chữa bệnh.
Gần đây nhất, rạng sáng 23-4-2017, anh Ksor Năn (làng Mít Kom 1, xã Ia O, huyện Ia Grai) thức dậy không thấy vợ và con gái 8 tháng tuổi đâu nên đi tìm. Thấy vợ là Ksor Pxul đang thơ thẩn cạnh giếng nước, nghi có chuyện chẳng lành, anh Năn tra hỏi con gái đâu thì chị Ksor Pxul thừa nhận đã thả con xuống giếng… “Qua thăm khám và khai thác bệnh sử thì được biết sau khi sinh con chị Pxul không cho con bú, có biểu hiện mất ngủ, không chịu ăn uống, thường gây hấn với người thân trong gia đình và những người xung quanh. Vào ngày xảy ra thảm kịch, chị Pxul kể nghe như có tiếng nói trong tai xúi giục vứt con xuống giếng và đã làm theo. Theo kết luận sơ bộ tại Bệnh viện Tâm Thần kinh Gia Lai, chị Pxul có biểu hiện rối loạn tâm thần sau sinh mức độ nặng; mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Hiện chị Ksor Pxul đã được đưa đi theo dõi, giám định tại Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nguyên”- bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh cho biết thêm.
Theo bác sĩ Thanh, điều đáng tiếc là trước đó chị Pxul đã có những biểu hiện của bệnh rối loạn tâm thần sau sinh nhưng do nhận thức của gia đình còn hạn chế nên không kịp thời đưa chị đi khám-chữa bệnh, khiến xảy ra sự việc đau lòng như trên. Không chỉ những hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa mà thậm chí có nhiều gia đình ở thành phố cũng hết sức chủ quan về căn bệnh này. Có gia đình khi phát hiện người thân của mình có những triệu chứng lạ sau sinh như mất ngủ, bất an, hoang tưởng… lại cho là chuyện thường ngày của phụ nữ sau sinh. Nhiều gia đình lại cho là ma ám, cúng bái tứ phương và khi đã nặng thì mới đưa đến bệnh viện khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
“Do những thay đổi về nội tiết tố, tâm sinh lý nên phụ nữ sau sinh thường đối mặt với nguy cơ rối loạn tâm thần sau sinh. Thêm vào đó, những mâu thuẫn gia đình, khó khăn tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân, yếu tố di truyền… cũng là những nguyên nhân khiến gia tăng nguy cơ này. Chính vì vậy, gia đình cần có sự quan tâm chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần, chia sẻ, phát hiện sớm các biểu hiện bất thường. Nếu thấy sản phụ có các biểu hiện như: mệt mỏi, thiếu sinh lực, phản ứng chậm, mất ngủ, dễ thay đổi cảm xúc, giảm hứng thú hoạt động, cảm thấy vô dụng hay tội lỗi, khó tập trung hoặc không quyết đoán; thường nghĩ đến cái chết và tự tử, thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân bất thường… thì cần đưa ngay đến các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để kịp thời khám và điều trị”-bác sĩ Thanh khuyến cáo.
Như Nguyện