(GLO)- Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn và dù có không ít chương trình mục tiêu, dự án được triển khai song hiệu quả chưa cao, công tác xóa đói, giảm nghèo ở huyện Krông Pa vì vậy là thách thức cho chính quyền, nhân dân và bản thân hộ nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện Krông Pa hiện chiếm trên 50% tổng số hộ, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tới 83,32%; nguy cơ tái nghèo báo động ở mức cao.
Chăn nuôi gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân Krông Pa. Ảnh: H.L |
Ông Siu Jé-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa, cho biết: So với các địa phương khác trong tỉnh, Krông Pa không được ưu ái về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao (hơn 70%). Toàn huyện có 6/14 xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 45%. Hộ nghèo tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng hạn chế, như: Ia Hdréh, Đất Bằng, Ia Rsai, Chư Drăng, Ia Rmok... Trong khi đó, bà con phần đông vẫn duy trì tập quán canh tác lạc hậu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, thậm chí không ít hộ còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước khiến cho công tác giảm nghèo gặp khó khăn, nguy cơ tái nghèo luôn ở mức cao…
Trên thực tế, Krông Pa đã dành được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo. Có thể kể đến như chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo; chính sách dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động; hỗ trợ tiền điện, điều kiện chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ y tế; hỗ trợ nhà ở… Ngoài ra, hàng loạt dự án khuyến nông-lâm-ngư nghiệp và hỗ trợ phát triển ngành nghề, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn, triển khai nhân rộng các mô hình giảm nghèo, cấp phát các mặt hàng trợ giá, trợ cước, các mặt hàng chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hay đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo tại cơ sở…
“Ví như 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Krông Pa được thụ hưởng nhiều chính sách đầu tư của Nhà nước. Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với 22,67 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 35 công trình giao thông, trường học, công trình nước sinh hoạt tập trung, nhà sinh hoạt cộng đồng… cho 8 xã đặc biệt khó khăn; cấp phát muối i-ốt, dầu hỏa, phân bón, giống bắp, lúa, vật nuôi… và xóa hơn 800 nhà tạm cho hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đã tăng trung bình 10%/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hơn 4%/năm. Song vẫn còn đó nhiều thách thức khi Krông Pa chưa thể thoát nghèo bền vững”-ông Siu Jé, nhận định.
Thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Krông Pa là do kinh tế của bà con còn phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện tự nhiên, chưa tạo được thế chủ động nên năm nay được mùa thì thoát nghèo, sang năm lại tái nghèo khi mùa vụ không thuận lợi.
“Tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước hay yếu tố bên ngoài vẫn còn tồn tại trong tư tưởng, nếp nghĩ của không ít hộ. Nhiều địa phương có điều kiện để phát triển như: Ia Mlah, Phú Cần, xã Uar… nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, một phần do chưa khai thác hết tiềm năng, một phần do người dân chưa thực sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đây là trở lực lớn nhất, khó vượt qua nhất ở Krông Pa”-ông Siu Jé, nhìn nhận.
Bởi vậy, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức thì ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo của bản thân mỗi người, mỗi gia đình và mỗi địa phương là nhân tố quan trọng nhất.
Hải Lê