Đô thị

Không gian sống

Cần nhân rộng mô hình trồng cây xanh trên hố rác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mô hình trồng cây xanh trên hố rác được nhiều địa phương trên cả nước nghiên cứu, áp dụng nhằm nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường cho người dân, góp phần xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp tại các khu dân cư.

Vào mạng gõ cụm từ khóa “trồng cây xanh trên hố rác”, tôi nhận được rất nhiều kết quả như: “Mỗi hố rác, một cây xanh”, “Rác hóa thành vườn xanh”, “Phủ cây xanh trên mỗi hố rác để bảo vệ môi trường”... Đây là những mô hình do các hội, đoàn thể trong cả nước triển khai, trong đó, tập trung chủ yếu ở các cấp hội phụ nữ. Mô hình lấy ý tưởng từ quy trình xử lý bãi rác ô nhiễm bằng hoạt động trồng cây xanh cải tạo môi trường sau khi bãi rác đầy.

Theo đó, cán bộ hướng dẫn hội viên phụ nữ đào hố rác, phân loại rác thải và bỏ rác thải hữu cơ vào hố rác. Khi hố rác đầy, chị em được tặng cây xanh để trồng trên hố rác, có thể là cây lấy gỗ hoặc các loại cây ăn quả. Nổi bật là tại huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế), mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh” do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai mang lại hiệu quả thiết thực; tại một số thôn, làng đã thu hút 100% hội viên tham gia.

Tại Gia Lai, việc trồng cây xanh trên hố rác đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu, áp dụng của một số tổ chức hội, đoàn thể. Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cũng đã hướng dẫn hội viên đào hố, phân loại rác thải và tự mua cây giống, chủ yếu là cây ăn quả về trồng khi hố rác đầy. Nhiều hộ còn mua thêm chế phẩm về xử lý hố rác trước khi trồng. Điều đáng nói là từ việc làm này, người dân đã có ý thức thu gom, phân loại rác thải nên hạn chế được tình trạng rác thải vương vãi, gây ô nhiễm môi trường.

Đơn cử như Chi hội Phụ nữ thôn 4 (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) đã thành lập Câu lạc bộ Phân loại rác thải từ tháng 10-2019. Theo đó, các thành viên Câu lạc bộ đã tiến hành phân loại rác thải thành 3 loại: rác hữu cơ, vô cơ và tái chế. Trong đó, rác thải hữu cơ bỏ vào hố rác sau nhà để ủ bón cho cây trồng hoặc khi hố rác đầy thì lấp lại và trồng cây ăn quả để cải thiện môi trường và có thu hoạch. Hay tại phường Chi Lăng (TP. Pleiku), mô hình “Mỗi hố rác một cây xanh” đã được Hội Liên hiệp phụ nữ phường triển khai cách đây hơn 5 năm.

Có thể thấy, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao ý thức, hình thành thói quen phân loại rác thải, góp phần cải thiện môi trường tại khu dân cư. Tuy nhiên, mô hình này chưa được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Do đó, các hội, đoàn thể cần nghiên cứu áp dụng và triển khai nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, cải thiện đời sống, mở rộng không gian xanh, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Có thể bạn quan tâm