Thời sự - Bình luận

Cần tận dụng mặt nước sẵn có dạy kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có rất nhiều cảnh báo về tình trạng đuối nước dịp hè đối với trẻ em nhưng những tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra. Vì vậy, công tác phòng tránh đuối nước trẻ em cần được đẩy lên ở mức cao nhất từ trong mỗi gia đình và huy động sự vào cuộc của toàn xã hội.

Gần đây nhất là sự việc đau lòng xảy ra ở thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) ngày 25-6, khi người dân phát hiện cháu T.Đ.H. (SN 2011) và em trai T.T.H. (SN 2013) tử vong tại một hồ nước thuộc thôn Plei Djiêk. Được biết, cả 2 đều là học sinh tiểu học đang trong thời gian nghỉ hè. Trước đó 2 ngày, trong lúc mẹ đi mua bán, bố làm vườn, 2 cháu đi bộ sang chơi nhà bà ngoại tại thôn Tao Klăh (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) cách khoảng 8 km, sau đó quay về. Chiều tối cùng ngày, không tìm thấy con, bố mẹ 2 cháu đã đến cơ quan Công an trình báo.

 Nhóm thanh niên làng Xoă (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) dạy bơi cho các em nhỏ tại khúc suối gần làng. Ảnh: Minh Triều
Nhóm thanh niên làng Xoă (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) dạy bơi cho các em nhỏ tại khúc suối gần làng. Ảnh: Minh Triều


Sự tiếc nuối cứ đeo đẳng mãi: Giá như gia đình dành sự quan tâm sát sao hơn, giá như các cháu được trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước kịp thời, giá như hồ nước được rào giậu, trông coi thì nỗi đau xé lòng đã chẳng đổ xuống.

Thực tế, ngay từ đầu hè 2022, các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai rất nhiều hoạt động thiết thực nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em. Như sáng 24-6, huyện Chư Sê đã tổ chức lễ khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi để phòng tránh đuối nước. Tỉnh Đoàn cũng đưa nhiệm vụ tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, thanh-thiếu niên vào kế hoạch hoạt động hè năm 2022. Trước đó, Công ty Phát triển thủy điện Sê San đã phối hợp với Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O, huyện Ia Grai) tổ chức truyền thông trang bị kiến thức đảm bảo an toàn tính mạng cho người và phương tiện vùng hạ du Nhà máy Thủy điện Sê San 4 do Công ty quản lý, vận hành; hướng dẫn kỹ năng cứu đuối, các bước sơ cấp cứu nạn nhân… Không ít nỗ lực đã bỏ ra nhưng dường như vẫn chưa đủ.

Chính phủ đặt mục tiêu giảm 10% trẻ em tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp không ít khó khăn từ điều kiện thực tế, khi nước ta có 28 tỉnh, thành giáp biển, sông suối dày đặc, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước (riêng Gia Lai có rất nhiều suối, kênh mương thủy lợi, nhất là hồ tưới cà phê); môn bơi chưa là môn bắt buộc trong trường học; thiếu bể bơi đạt chuẩn và giáo viên dạy bơi chính quy… Trong khi đó, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho các nước đang phát triển, để tăng khả năng sống sót trước khi được cứu do đuối nước, trẻ 6-15 tuổi cần bơi được ít nhất 25 m, nổi tối thiểu trong 90 giây, biết đứng nước.

Xót lòng trước việc liên tục xảy ra các vụ tai nạn đuối nước trẻ em từ đầu hè đến nay, mới đây, bác sĩ Nguyễn Trọng An-nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã đề xuất “biến nguy thành cơ”. Cụ thể, mỗi địa phương dựa vào đặc thù địa lý để tận dụng, cải tạo mặt nước sẵn có thành nơi dạy kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ. Theo bác sĩ An, nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm bể bơi trên sông bằng lưới di động, thành bể là những cây tre hoặc ống nhựa tháo lắp được. Các địa phương khác có thể tận dụng kênh rạch thủy lợi, mương dẫn nước vào đồng, dùng lưới quây lại dạy bơi. Giáo viên có thể là những người dân sống ở vùng sông nước dày dạn kinh nghiệm. “Đừng đợi đến khi xây được bể bơi, có máy lọc sạch sẽ, đầy đủ điều kiện mới dạy trẻ bơi lội mà cần căn cứ vào thực tế và điều kiện kinh tế”-bác sĩ An nói.

Từ năm 2019, ở xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã có một mô hình đầy sáng tạo như trên. Khi đó, 3 chàng trai Jrai ở làng Xoă đã biến những khúc suối, đoạn kênh thủy lợi trên địa bàn thành hồ “dã chiến” để dạy bơi cho trẻ em trong làng. Ngày thường, các em đi học nên nghỉ buổi nào thì học bơi buổi đó. Còn những tháng hè, hôm nào các em đi chăn bò thì “huấn luyện viên” tranh thủ dạy bơi. Hồ bơi “thiết kế” gần làng hoặc gần địa điểm chăn bò để tiện cho cả thầy lẫn trò. Từ những lớp học miễn phí này, nhiều học viên không những biết bơi mà còn cứu sống được một số bạn cùng trang lứa không may gặp nạn.

Có một thực tế hiện nay là số vụ tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị do thiếu sự giám sát của phụ huynh và thiếu kỹ năng bơi lội. Từ đề xuất của nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em và mô hình ở Chư Đang Ya, thiết nghĩ, các ngành, địa phương nên sớm có kế hoạch nhân rộng ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền, cắm biển bảng tại nơi nguy hiểm, mở các lớp tập huấn… để mỗi trẻ em, mỗi gia đình ý thức rõ những nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước và biết cách tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, cần biểu dương kịp thời những mô hình hay, những cá nhân sáng tạo, có thành tích xuất sắc trong công tác này. Có như vậy mới mong kéo giảm tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước, giảm nỗi lo của gia đình và xã hội.

 

 LAM NGUYÊN

 

Có thể bạn quan tâm