Nằm trong khuôn khổ dự án nâng cấp sáu đô thị tại Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ đang đầu tư 90,3 triệu USD thực hiện tiểu dự án nâng cấp đô thị tại địa phương.
Trong tổng vốn đầu tư có 69,9 triệu USD vay từ Ngân hàng thế giới, vốn đối ứng của Chính phủ là 20,4 triệu USD.
Dự án bao gồm bốn hợp phần, chia làm hai giai đoạn thực hiện. Giai đoạn một từ năm 2012-2014, giải ngân 30% vốn vay WB; giai đoạn hai từ năm 2015-2017, giải ngân hết số vốn WB còn lại.
Bốn hợp phần bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp ba trong các khu dân cư thu nhập thấp; đầu tư cải tạo, nâng cấp giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng và thiết bị vệ sinh môi trường trên 31 khu tại bốn quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn.
Xây dựng đường ống phân phối nước sạch cho khu một, cải tạo, nâng cấp năm tuyến đường chính phường Lê Bình, quận Cái Răng; cải tạo khu vực hồ Bún Xáng, xây dựng đập tràn, cửa điều hòa rạch Bún Xáng, cải tạo Rạch Ngỗng, cải tạo rạch phía Nam hồ Bún Xáng.
Xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Việt Hồng, cải tạo Rạch Sao, lắp đặt thiết bị quản lý nước thải và vệ sinh môi trường; xây dựng khu tái định cư ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, rộng 5,5ha cùng trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa; hỗ trợ kinh phí quản lý dự án.
Tổng diện tích các khu là 494ha với tổng số 5.533 hộ. Sau khi dự án hoàn thành, có hơn 45.000 người hưởng lợi trực tiếp và 479.000 người hưởng lợi gián tiếp.
Ngày 14-5, Chính phủ Việt Nam (đại diện là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ) và WB đã chính thức ký Hiệp định Tài trợ cho Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số vốn trên 392 triệu USD.
Dự án được triển khai trên diện tích 2.011 km2 tại sáu địa phương gồm thành phố Cần Thơ, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau), thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).
Sau khi hoàn thành vào 2018, có 150.097 người nghèo được cải thiện điều kiện sống, trong đó có 296.000 người hưởng lợi trực tiếp và hơn 1,8 triệu người hưởng lợi gián tiếp.
Từ năm 2007, Dự án nâng cấp đô thị đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng và Cần Thơ tạo điều kiện cho hơn 2,2 triệu người được hưởng lợi.
Theo TTXVN