Cần thực chất hơn trong điều tra, rà soát hộ nghèo đa chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2016 đến nay, việc điều tra, rà soát hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đã giúp đánh giá hộ nghèo, cận nghèo sát thực tế hơn. Tuy nhiên, công tác rà soát thông qua đánh giá, chấm điểm tài sản hiện còn gặp không ít lúng túng.
 Huyện Đak Đoa tập huấn điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2018. Ảnh: H.T
Huyện Đak Đoa tập huấn điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2018. Ảnh: H.T
Chị Võ Thị Ngọc Nhung-cán bộ chuyên trách Lao động-Thương binh và Xã hội xã An Phú (TP. Pleiku) băn khoăn: “Nhiều tiêu chí thu thập thông tin tài sản chưa có trong biểu mẫu điều tra, như: máy cày, máy tuốt lúa... ở nông thôn hoặc các tài sản lớn như gỗ, đàn trâu, bò; trang trại... nên không biết xếp những tài sản này vào mục nào. Hộ có xe máy, xe có động cơ được tính 15 điểm, thành ra hộ có chiếc xe máy cũ giá trị khoảng 3-5 triệu đồng cũng bằng số điểm của một gia đình có xe máy giá trị 40-60 triệu đồng. Hộ có 1 con bò/trâu được tính 10 điểm, hộ có từ 2 con bò/trâu trở lên được tính 15 điểm, như vậy hộ có cả hàng chục con trâu, bò cũng chỉ có 15 điểm. Điều này dẫn đến việc một số hộ không khá giả bằng hộ khác nhưng lại ngang tổng điểm thu nhập. Do đó, người dân cho rằng cách đánh giá này là chưa hợp lý”.
Bên cạnh đó, việc xác định mức thu nhập thông qua chấm điểm cũng chưa phản ánh chính xác điều kiện sống thực tế của hộ gia đình. Chị Nguyễn Thị Hường-cán bộ chuyên trách Lao động-Thương binh và Xã hội xã Ia Kly (huyện Chư Prông) phân tích: Trong thu thập thông tin rà soát điều tra, khó nhất là xác định mức thu nhập. Đơn cử như gia đình anh Kpă Chút (làng Thung). Nhà có 2 vợ chồng là lao động chính và 2 con nhỏ, trong đó, một cháu bị bại não. Thu nhập của gia đình chủ yếu từ việc làm thuê, tháng nào có việc làm đều đặn thì được khoảng 3-4 triệu đồng, còn không có việc hoặc mưa gió nằm nhà thì chỉ có nguồn thu ít ỏi từ việc canh tác mấy sào cà phê. Vì thế, việc chấm điểm thu nhập cho những hộ này rất khó khăn.
Từ những thắc mắc nêu trên, trước khi tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo đa chiều năm 2018, các cán bộ thu thập thông tin cấp huyện đều được tập huấn các nội dung như: cách nhận diện nhanh hộ gia đình (phiếu A); chỉ tiêu về các nhu cầu xã hội cơ bản (phiếu B2); thu thập đặc điểm hộ nghèo, cận nghèo (phiếu C). Ông Phạm Đình Sức-Trưởng thôn Krái (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cho rằng: “Về một số chỉ tiêu ước tính thu nhập của hộ gia đình, điều tra viên phải rà đi soát lại nhiều lần mới tính đúng số điểm. Vì vậy, các biểu tổng hợp diễn biến hộ nghèo cần bổ sung một số nội dung để phản ánh đúng thực tế, như: hộ nghèo có người chết, chuyển đi hay hộ nghèo mới nhập…”. Ông Trần Văn Lịch-Trưởng thôn 9 (xã An Phú, TP. Pleiku) cũng cho rằng các phụ lục thực hiện rà soát để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục...) của hộ nghèo, hộ cận nghèo còn một vài điểm chưa hợp lý khi áp dụng vào thực tế.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Từ những tiêu chí, mẫu có sẵn, trong quá trình thu thập thông tin, điều tra viên không chỉ nghe gia đình cung cấp thông tin mà còn phải trực tiếp quan sát, thậm chí tìm hiểu thêm từ những hộ lân cận để việc thu thập thông tin được chính xác, sát thực tế, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng. Việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua phương pháp chấm điểm không chỉ góp phần hạn chế tâm lý trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng mà còn là cơ sở để các ngành liên quan tham mưu để có các giải pháp, chính sách, lộ trình cải thiện, nâng cao thu nhập, giúp việc nhận diện thực chất hơn, bảo đảm sử dụng nguồn lực dành cho giảm nghèo hợp lý, tập trung và hiệu quả hơn.
Hà Tây

Có thể bạn quan tâm