Xã hội

Gia đình

Cần tôn trọng sở trường của con cái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng năm, sau khi kết quả xét tuyển đại học được công bố, chúng ta thường bắt gặp vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là những nụ cười mãn nguyện của không chỉ những tân sinh viên khi đã đạt được đúng ước mơ, nguyện vọng của mình sau 12 năm đèn sách, mà còn của phụ huynh sau bao nỗi vất vả lo lắng nuôi con cái ăn học.

Bên cạnh đó là nước mắt của những cô cậu tú “hỏng thi” và của cả những em vào được những ngành học “hot”, những trường có “thương hiệu” nhưng lại không phải đúng ngành học theo nguyện vọng, sở trường của bản thân, mà là thi vào theo ý muốn của cha mẹ.

Có rất nhiều lý do khiến các em phải vào học các trường theo nguyện vọng của cha mẹ. Đầu tiên bởi chuyện việc làm sau khi ra trường, đây là lý do khiến nhiều bậc phụ huynh lựa chọn giải pháp an toàn trong việc định hướng ngành nghề cho con. Một việc làm ổn định là điều bất cứ ai cũng mơ ước. Vậy nên các sĩ tử không cần quan tâm đến năng lực, sở trường của bản thân, mà lao vào thi các ngành đang “hot”, cơ hội xin được việc làm cao theo định hướng của cha mẹ. Hậu quả là sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường, các ngành học quá lớn; sau khi học xong, số không xin được việc làm rất đông. Còn những bậc cha mẹ, có lẽ cũng ít người quan tâm rằng con mình có nguyện vọng thế nào hoặc có biết thì họ cũng cố ý gạt đi.

Sau kỳ thi của cô con gái, chị bạn đến gặp tôi hồ hởi khoe rằng cháu đã đỗ vào ngành Văn của một trường sư phạm đúng theo ước mơ hồi trẻ của... chị. Chị kể hồi trẻ chị đã ấp ủ ước mơ ấy suốt thời đi học, nhưng vì cha mẹ nghèo nên không thực hiện được, giờ chị đành động viên và cả… ép buộc con thực hiện ước mơ giúp mình.

Một người bạn khác làm trong một cơ quan nhà nước, cuộc sống bình lặng của một viên chức khiến chị cũng hướng con mình theo học đúng ngành của mẹ để sau này nối nghiệp, dù con chị có năng khiếu nghệ thuật và luôn ước mơ được đứng trên sân khấu biểu diễn. Sau một thời gian gặp lại, chị bạn thứ nhất ngậm ngùi kể rằng con chị học lẹt đẹt mãi không ra được trường, chỉ vì cháu không có hứng thú và không tiếp thu nổi những kiến thức mà mình theo học.

Chị thứ hai cho biết, con chị đã tự ý bỏ trường đại học mà mẹ bắt thi vào để theo học một trường nghệ thuật mà cháu muốn. Dù bị mẹ “ra điều kiện” nếu tự học theo ý mình, mẹ sẽ không chu cấp nữa, nhưng cháu vẫn nhất quyết rẽ ngang, bởi sống ở thành phố lớn, môi trường mới, cháu có thể đi biểu diễn ngoài giờ học để tự trang trải cuộc sống và việc học tập của mình.

Những trường hợp như tôi vừa kể có lẽ rất nhiều. Cũng thật dễ lý giải cho việc tại sao cha mẹ thường định hướng con cái làm theo ý mình. Chúng ta luôn có quyền kỳ vọng vào những đứa con, luôn mong chúng học giỏi, đỗ đạt vào ngôi trường danh giá, có việc làm, thu nhập cao… Nhưng có lẽ ít người nghĩ được rằng, hệ lụy của việc không được làm việc đúng sở trường, năng lực bản thân sẽ khiến cho hiệu suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc thấp, vì người lao động dễ nảy sinh tâm lý chán nản khi làm những công việc mình không thích. Chưa kể rất nhiều trường hợp do định hướng lệch lạc khiến nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng để thi lại, gây lãng phí không ít thời gian, tốn kém tiền của và công sức.

Tôi đọc ở đâu đó câu chuyện kể rằng, sau cuộc bầu cử thắng lợi, nhiều nhà báo đến quê nhà của Tổng thống Harry Truman (vị tổng thống thứ 32 của Mỹ) để phỏng vấn mẹ ông. Các nhà báo hết sức tán dương bà mẹ. Một người hỏi: “Có một người con làm tổng thống, chắc bà phải cảm thấy rất tự hào?”. “Đúng vậy. Nhưng mà tôi còn một đứa con nữa, nó cũng khiến tôi rất đỗi tự hào”.“Ông ấy làm gì ạ?”. “Nó đang đào khoai tây dưới đồng”. Câu chuyện để lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ, nhất là cách nhìn nhận, thái độ với nghề nghiệp.

Vậy nên, hãy tin tưởng con trẻ, tạo cho chúng một nền tảng vững vàng bằng học vấn và trao cho chúng quyền được lựa chọn tương lai. Trẻ con bây giờ thông minh, năng động hơn chúng ta rất nhiều. Nếu được trang bị đầy đủ tri thức và kỹ năng, chắc chắn chúng sẽ tự bước đi vững vàng trên đôi chân của mình.

Có thể bạn quan tâm