Thời sự - Bình luận

Cần xác định quan hệ lao động trong nền kinh tế số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm gần đây, khi Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng thì cơ hội từ kinh tế số càng không thể bỏ qua. Dù là nước đang phát triển, Việt Nam không thể đi sau trong tiến trình phát triển kinh tế số. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Kết quả nghiên cứu và những ý kiến chuyên gia tại hội thảo “Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kỳ hậu Covid-19: Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức mới đây đã góp thêm nhiều luận cứ thuyết phục để nhanh chóng biến những lợi thế thành hiện thực. Trong đó, một trong những vấn đề được quan tâm “mổ xẻ” là thị trường lao động và chính sách an sinh xã hội đối với lao động trong các ngành công nghệ. 
Theo Th.S Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay các chính sách về an sinh xã hội đối với lao động trong các ngành công nghệ đã được quy định khá đầy đủ. Tuy nhiên, liên quan đến lao động trong các ngành nghề ứng dụng các nền tảng công nghệ hiện vẫn còn khá nhiều tranh luận. 
Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, người lao động tham gia lĩnh vực kinh doanh này được coi là “đối tác”, sử dụng ứng dụng công nghệ để tìm kiếm khách hàng, nhận thu nhập bằng hình thức chiết khấu từ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, ứng dụng. Nhưng cách hiểu này có một dấu hỏi lớn: Đây có phải là “quan hệ lao động” hay không? Giữa các đơn vị cung ứng công nghệ và người tham gia ứng dụng không có giao kết hợp đồng lao động, chỉ có hợp đồng giao dịch dân sự, thì về nguyên tắc họ sẽ không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà chỉ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình… Đây chính là lý do dẫn đến một số trường hợp “cơm không lành canh không ngọt” giữa người lao động với công ty công nghệ.  
Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, nhất là khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA và các quy định này cần được định vị lại rõ ràng hơn. Nếu xác định công ty ứng dụng nền tảng phải có trách nhiệm với đối tác của mình, coi “đối tác” là người lao động thì công ty và người lao động cùng chia sẻ vấn đề về bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế hoặc những chính sách bảo vệ người lao động hiện hành. Còn khi hai bên thỏa thuận với nhau theo các hợp đồng dân sự thì hợp đồng phải được thực hiện với nội dung và hình thức chặt chẽ hơn hiện nay rất nhiều. 
Khái niệm “lao động chính thức” hay “phi chính thức” hiện nay được xét trên 2 tiêu chí: có hợp đồng lao động và có đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trong mô hình kinh tế chia sẻ, những tiêu chí này chưa thỏa mãn hoặc khó kiểm chứng. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì việc hỗ trợ người lao động “phi chính thức”, như năm nay chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sẽ không rõ ràng và có thể gây ra bất công trong tiếp cận hỗ trợ. Bên cạnh đó, hỗ trợ để nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên, người già… tham gia kinh tế số cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quá trình hỗ trợ nhất thiết phải đi kèm với chuyển giao kỹ năng để các nhóm này có thể tự học, tự thích ứng bởi chắc chắn, hỗ trợ ngân sách từ Nhà nước chỉ là một điều kiện cần chứ chưa đủ. 
ANH PHƯƠNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm