Sức khỏe

Dinh dưỡng

Cảnh báo bệnh đái tháo đường ở trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bệnh đái tháo đường ở trẻ có xu hướng gia tăng, một phần do thói quen ăn uống và lối sống thiếu lành mạnh.

Bệnh đái tháo đường ở trẻ có xu hướng gia tăng (Ảnh minh họa).
Bệnh đái tháo đường ở trẻ có xu hướng gia tăng (Ảnh minh họa).



Nếu không được phát hiện và quản lý bệnh tốt, sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe của trẻ.

Trẻ sơ sinh cũng mắc tiểu đường

Theo các chuyên gia y tế, những năm gần đây trên thế giới, số lượng trẻ mắc tiểu đường đang có chiều hướng gia tăng khi sau 30 năm, con số mắc tiểu đường ở trẻ tăng gấp 3 lần. Và ở nước ta, số lượng trẻ mắc bệnh này cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Đái tháo đường thường gặp ở người lớn, một phần do tính chất di truyền, rối loạn tổng hợp insulin và liên quan đến yếu tố ăn uống, lười vận động, phải điều trị bằng thuốc và kết hợp điều chỉnh chế độ ăn, giảm cân. Tuy nhiên, đa phần trẻ mắc đái tháo đường ở nước ta thường gắn liền với chứng thừa cân, béo phì, lối sống thiếu lành mạnh và thói quen ăn uống không điều độ.

Trước đây đái tháo đường thường xuất hiện ở độ tuổi sau 40. Nhưng hiện nay, bệnh này được phát hiện ở trẻ nhỏ, thậm chí cả trẻ sơ sinh. Cầm kết quả xét nghiệm có kết luận của bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương con mắc tiểu đường tuýp 1 khi mới lên 3, chị T ở Nghệ An không giấu nổi lo lắng bởi chị không thể nghĩ con bé thế mà bị tiểu đường. Thấy con đi tiểu liên tục, ban ngày còn ngủ nhiều, chị T đưa con đi khám ở Khoa Nội tiết, BV Nhi T.Ư, khi triệu chứng đã khá trầm trọng. Còn trường hợp con chị H năm nay 15 tuổi, từ khi sinh ra đến giờ, cháu rất béo khỏe, đặc biệt ăn uống dễ dàng. Thấy con bị mất ngủ, ra mồ hôi nhiều, tiểu dầm nhiều, chị đưa con đi khám ở BV Nhi TƯ, các bác sĩ kết luận cháu bị tiểu đường tuýp 2 và béo phì.

Theo bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, BV Nhi T.Ư, hiện nay tỷ lệ mắc tiểu đường ngày càng tăng và biểu hiện tăng thấy rất rõ ở tuổi trưởng thành. Trẻ em chủ yếu mắc tiểu đường tuýp 1, còn một tỷ lệ nhỏ là tiểu đường tuýp 2. Từ năm 2013 tới nay, con số tiểu đường tuýp 1 tăng lên 3 - 4 lần so với trước, còn ở tuýp 2 cũng bắt đầu tăng ở trẻ em vì các cháu mắc béo phì quá nhiều. Cá biệt là nhóm bệnh tiểu đường sơ sinh (mắc trước 6 tháng tuổi).


“Khi 1 cháu bé bị tiểu đường tức là cuộc sống của cháu sẽ rẽ sang ngả khác. Trẻ hằng ngày phải tiêm insulin 3 - 4 lần, phải lấy máu từ 4 - 6 lần và 10 lần chọc kim ở da và phải đồng hành đến cuối đời. Chưa kể, trong quá trình điều trị, có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm từ tổn thương vi mạch dẫn đến suy thận, tổn thương thận dẫn đến suy thận, rồi tổn thương bàn chân, các bệnh lý về tim mạch… có thể dẫn đến tử vong. Đối với trẻ em bị bệnh càng sớm thì dẫn đến tổn thương càng sớm nếu không quản lý bệnh tốt”, bác sĩ Vũ Chí Dũng nhấn mạnh.

“Các nghiên cứu cho thấy, tại các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ béo phì có xu hướng gia tăng khi hằng ngày chúng tôi tiếp nhận ít nhất hàng chục cháu đến trong bệnh cảnh béo rất nặng, có biểu hiện kháng insulin tiểu đường và sạm da ở vùng gáy rất rõ. Nhiều gia đình không nhận thức được việc trẻ béo phì do các nguyên nhân như: ăn thức ăn sẵn, ăn bữa phụ nhiều; ít vận động...”-bác sĩ Vũ Chí Dũng
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)



Cách nhận biết bệnh

Bác sĩ Vũ Chí Dũng cũng chỉ ra rằng, với tiểu đường sơ sinh rất khó phát hiện triệu chứng, bởi các triệu chứng tiểu đường cổ điển như khát nước, tiểu nhiều thì thường không biểu hiện ở nhóm trẻ này. Thông thường, khi thấy đứa bé tiểu tràn ra cả tã mới nghi ngờ. Ở trẻ lớn hơn, thấy tiểu nhiều, khát nước, tiểu dầm, sụt cân, hoặc đứa trẻ có biểu hiện như nôn, đau bụng, kèm thêm những bệnh thông thường và có thể có sốt… Hoặc trong quá trình chăm sóc trẻ, có thể phát hiện những triệu chứng nghi ngờ, cha mẹ cần đưa con đến các chuyên gia y tế để khám và điều trị sớm.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra với người lớn tuổi và vẫn cho phép người bệnh sản sinh insulin, nhưng với một lượng rất nhỏ, không đủ cho nhu cầu của cơ thể. Chính vì thế, bệnh nhân thường phải mất nhiều năm mới phát hiện ra bệnh. Còn với trẻ nhỏ bị tiểu đường túyp 2 thường xuất hiện những mảng đen trên da - là kết quả quá trình phản ứng của cơ thể với sự thiếu hụt insulin. Đây là một biến chứng do sự béo phì, sự kháng cự của cơ thể khi thiếu insulin, lượng cholesterol cao tạo nên. Ở những bé gái, bệnh thường kéo theo rối loạn hormone, nổi mụn trứng cá và u nang buồng trứng khi trưởng thành. Khi mắc bệnh, nguy cơ bị rút ngắn tuổi thọ ở các em rất cao, cho dù có hạn chế bằng cách dùng thuốc, giảm cân hay luyện tập.

Cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt

Bác sĩ Vũ Chí Dũng nhấn mạnh, thủ phạm gây bệnh tiểu đường ở trẻ chính là do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và ngọt trong khi lại lười vận động. Vì thế, ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống, việc thay đổi lối sống của trẻ là rất cần thiết. Phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là khuyến khích trẻ vận động hằng ngày, giúp kích thích sự vận chuyển chất đường vào trong tế bào và cải thiện khả năng phản ứng của cơ thể với insulin.

“Với những đứa trẻ đang tuổi lớn và phát triển, việc bổ sung đủ dinh dưỡng là cần thiết. Việc giảm khẩu phần ăn ở trẻ béo phì khác với người lớn, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới chiều cao của các cháu. Vì thế, để đứa trẻ vẫn có thể phát triển bình thường nên chia nhỏ bữa ăn và xây dựng bữa ăn tùy từng thể trạng mỗi cháu” - bác sĩ Dũng khuyên.

Giang Hiền (Báo TNVN/VOV)

Có thể bạn quan tâm