Kinh tế

Nông nghiệp

Cánh đồng lúa một giống chất lượng cao: Đa lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng cao do huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) triển khai đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Không chỉ thay thế các giống lúa đã thoái hóa, mô hình còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận kỹ thuật thâm canh lúa nước, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Để thay đổi tập quán canh tác lúa nước, thay thế các giống lúa cũ qua nhiều năm sử dụng đã thoái hóa, từ năm 2021 đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa đã hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã: Glar, Hà Bầu, Ia Pết, Hnol, Đak Sơ Mei, Kdang, Ia Băng triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng cao. Các giống lúa được đưa vào canh tác như J02, HN6, ĐT100 đều có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, cho năng suất cao. 
Bà Vũ Thị Kim Nhã-quyền Chủ tịch UBND xã Ia Băng-cho biết: Vụ mùa 2022 là lần đầu tiên đồng bào dân tộc thiểu số trong xã được huyện hỗ trợ giống lúa chất lượng cao HN6 và J02 để gieo trồng theo mô hình cánh đồng một giống. Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện nên năng suất lúa đạt hơn 5,5 tấn/ha, cao hơn so với giống lúa cũ 4-6 tạ/ha. Mô hình này đã mở ra hướng sản xuất lúa thâm canh bền vững. 
Cánh đồng lúa một giống ĐT100 tại xã Đak Sơ Mei cho năng suất khá cao. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cánh đồng lúa một giống ĐT100 tại xã Đak Sơ Mei cho năng suất khá cao. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, sau 2 năm triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng cao tại một số xã, các giống lúa mới như J02, ĐT100 và HN6 được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Năng suất lúa ở một số nơi đạt 6-7 tấn/ha, cao hơn các giống cũ 5-7 tạ/ha. Đây là tiền đề để huyện đưa những giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất.
Vụ Đông Xuân 2022-2023, huyện Đak Đoa gieo trồng 2.000 ha lúa nước. Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Ia Băng, Đak Sơ Mei và Kdang canh tác lúa nước theo mô hình cánh đồng một giống chất lượng cao sử dụng giống HN6. Theo đó, ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ động kiểm tra đánh giá hệ thống kênh mương, thủy lợi và nguồn nước tưới; đồng thời phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên-Huế cấp hơn 25 tấn lúa giống HN6 cùng vôi bột cho người dân các xã để xuống giống đồng loạt nhằm dễ quản lý, chăm sóc. Quyền Chủ tịch UBND xã Ia Băng cho biết: Vụ Đông Xuân 2022-2023, bà con nông dân được hỗ trợ gieo trồng 70 ha lúa HN6. Đến nay, các hộ đã xuống giống xong. Người dân rất kỳ vọng vào giống lúa này để nhân rộng trong những vụ sản xuất tới.
Người dân nhận giống HN6 về sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân nhận giống HN6 về sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, năm 2022, mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng cao được triển khai tại 4 xã Đak Sơ Mei, Ia Băng, Kdang và Hneng với diện tích 628 ha/2.517 hộ dân tộc thiểu số tham gia.
Theo ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: Để tránh hạn cuối vụ, địa phương hỗ trợ giống lúa HN6 để bà con nông dân gieo trồng trong vụ Đông Xuân 2022-2023. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng chống chịu sâu bệnh gây hại, cho năng suất cao, hạt cơm mềm, dẻo rất ngon. Đây là giải pháp quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tiếp cận, áp dụng đưa giống lúa HN6 vào sản xuất đại trà để nâng cao thu nhập từ cây lúa nước theo hướng bền vững. “Mô hình cánh đồng lúa một giống chất lượng cao từng bước định hướng cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất thâm canh những giống lúa nước có năng suất, chất lượng cao, tạo tiền đề để huyện mời gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng thương hiệu “Gạo Đak Đoa” trong những năm tới”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thông tin thêm.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm