Cảnh giác những cá nhân mạo danh nhà báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, không ít cá nhân, cộng tác viên các cơ quan báo chí sử dụng các loại giấy tờ như: Giấy giới thiệu, thẻ dễ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo. Có trường hợp sử dụng các loại giấy tờ này để tiếp xúc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đặt viết bài, chào mời quảng cáo, cá biệt có trường hợp tự xưng là phóng viên hoặc lợi dụng danh nghĩa cộng tác viên hù dọa, gạ gẫm doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương nhằm phục vụ mục đích riêng... Có những trường hợp phóng viên “tự do”, cộng tác viên khi viết tin, bài không tìm hiểu bản chất nội dung sự việc, mà chỉ căn cứ theo một vài nguồn tin của một số trang thông tin điện tử khác hoặc điện thoại trao đổi với những cá nhân không có chức năng trả lời nên thông tin sai sự thật, phản ánh không đúng bản chất vấn đề, sự việc, gây tác động xấu trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, danh dự của các nhà báo hoạt động đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa
Một 'phóng viên' bị khởi tố vì cưỡng đoạt tài sản

Trước tình hình đó, ngày 28-9-2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 3366/BTTTT-CBC yêu cầu các cơ quan báo chí kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh việc cấp các loại giấy tờ, thẻ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành quy chế phát ngôn báo chí và gần đây nhất là Công văn số 4601/UBND-KGVX, ngày 5-10-2016 “Về việc tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh”.

Nhằm tăng cường công tác định hướng, quản lý, cung cấp thông tin cho báo chí và tạo môi trường hoạt động báo chí lành mạnh, vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện nghiêm túc Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND, ngày 27-6-2014 của UBND tỉnh về “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Khi ở địa phương, cơ quan, đơn vị có các vụ việc nóng, nhạy cảm, dư luận quan tâm... cần tổ chức họp báo kịp thời cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, cơ quan, đơn vị có những sự kiện, vụ việc mà báo chí thông tin chưa chính xác, sai sự thật hoặc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, uy tín của Đảng, Nhà nước... thì có trách nhiệm báo cáo kịp thời với đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý, chỉ đạo, định hướng thông tin, dư luận xã hội. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp báo chí, không cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động báo chí. Tuy nhiên, cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác với những cá nhân mạo danh nhà báo, phóng viên nhằm vào các mục đích bất chính. Khi các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên báo chí đến làm việc, các cơ quan, đơn vị cần yêu cầu xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, cơ quan có thẩm quyền cấp đúng theo quy định của pháp luật (nếu là giấy giới thiệu phải thể hiện rõ tên cơ quan, tổ chức quản lý và tên địa phương, cơ quan, đơn vị,... mà phóng viên, cộng tác viên báo chí được giới thiệu đến làm việc; ghi rõ nội dung làm việc và thời gian làm việc cụ thể). Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, các cơ quan, đơn vị cần thông tin về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và các cơ quan báo chí để phối hợp xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

 Trần Đình Hiệp

Có thể bạn quan tâm