Thời sự - Bình luận

Cảnh giác với 'bánh vẽ' vay vốn lãi suất cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Gia Lai liên tiếp nhận được đơn tố cáo của người dân về việc bị một số đối tượng lợi dụng mối quan hệ quen biết đã huy động vốn vay để cùng làm ăn với lãi suất hấp dẫn, góp vốn kinh doanh chia lợi nhuận cao nhưng sau đó “ôm” tiền rồi chây ì không trả, tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Mới đây nhất, anh P.Đ.T. (trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku) làm đơn tố cáo bà H.T.K.L. (trú tại phường Diên Hồng) đến Cơ quan Điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do quen biết bà L. nên từ năm 2007 đến tháng 1-2022, anh T. cho bà L. vay tổng cộng 12 tỷ đồng để kinh doanh vàng, đầu tư bất động sản, đáo hạn ngân hàng với lãi suất thỏa thuận là 3%/tháng. Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ, anh T. đòi nợ nhiều lần nhưng không thấy bà L. trả tiền như đã hứa hẹn, gọi vào điện thoại của bà L. thì không liên lạc được. Cũng với chiêu trò vay mượn tiền để đáo hạn ngân hàng và hứa trả với lãi suất hấp dẫn, từ tháng 6 đến tháng 11-2021, đối tượng D.T.T đã vay gần 19 tỷ đồng của hàng chục người dân trên địa bàn huyện Đak Đoa rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền bỏ trốn.

Cũng trong thời gian qua, khi thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh “nóng” lên, nhiều đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo đó, các đối tượng kêu gọi góp vốn đầu tư mua đất, sau đó bán lại để chia lợi nhuận. Trước những khoản lợi nhuận do đối tượng “vẽ” ra, nhiều người dân do mất cảnh giác, cả tin đã dễ dàng góp vốn, thậm chí còn vay thêm để lấy tiền đầu tư với đối tượng. Mới đây, nhiều người dân huyện Chư Păh đã viết đơn tố cáo gửi đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện đối với bà N.T.A.N. vay 300 triệu đồng để mua đất bán lại kiếm lời nhưng không trả đúng hẹn. Cũng liên quan đến đất đai, vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, một số người dân ở xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhờ một đối tượng hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc cho thuê đất. Lợi dụng điều này, đối tượng đã làm giả các giấy tờ chuyển nhượng để chiếm dụng đất của người dân.

Sau những vụ việc trên có thể thấy, thủ đoạn và phương thức lừa đảo của các đối tượng không mới, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thường xuyên cảnh báo nhưng nhiều người vẫn tiếp nhận theo kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Qua phân tích của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh, với chiêu thức “lấy mỡ rán mỡ”, thời gian đầu, các đối tượng lấy tiền của người sau trả cho người trước để không bị nghi ngờ, thực hiện việc trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng hẹn. Chính vì vậy, các đối tượng có thể huy động số đông người góp vốn. Nhưng vì hám lợi, nhiều người mất cảnh giác, sẵn sàng cho vay tiền, thậm chí còn vay mượn thêm của bạn bè, người thân để tiếp tục cho vay hưởng chênh lệch. Khi đã “ôm” được số tiền lớn, việc làm ăn thua lỗ hoặc có ý định chiếm đoạt thì các đối tượng chây ì không trả, tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn. Tuy nhiên, hầu hết hợp đồng cho vay của người dân thời gian qua đều bằng giấy thỏa thuận viết tay giữa hai bên, không có tài sản thế chấp để đảm bảo vốn vay và không ra công chứng.

Vì vậy, để các đối tượng không có cơ hội “gài bẫy” dẫn đến những hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội, người dân cần nâng cao cảnh giác với những “bánh vẽ” lãi suất cao và góp vốn đầu tư thu lợi trong thời gian ngắn. Khi thực hiện các giao dịch cho vay cần phải chấp hành đúng quy định của pháp luật.

 

 LÊ ANH
 

 

Có thể bạn quan tâm