Thời sự - Bình luận

Cảnh giác với du lịch "chui"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thực hiện Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vaccine", tức lượng khách tới nước ta còn hạn chế, song đã xuất hiện tour du lịch "chui".
 
Đoàn kiểm tra liên ngành Khánh Hòa lập biên bản vi phạn đối với tour du lịch “chui” trên đảo Hoa Lan. Ảnh: Báo Văn hóa
Đoàn kiểm tra liên ngành Khánh Hòa lập biên bản vi phạn đối với tour du lịch “chui” trên đảo Hoa Lan. Ảnh: Báo Văn hóa
Thông tin trên đã khiến nhiều người không khỏi lo ngại về vấn đề an toàn, hiệu quả và chất lượng trong du lịch, nhất là khi Việt Nam đang xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch nội địa và quốc tế trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 tới.
Vụ việc vừa được ghi nhận tại Khu Du lịch Ðảo Hoa Lan, khi Thanh tra Sở Du lịch Khánh Hòa phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất, phát hiện một du khách quốc tế đang làm hướng dẫn viên trái phép cho đoàn khách quốc tế gồm 20 người. Người này được ông Trần Minh Khánh (trú tại Nha Trang) thuê dẫn khách. Qua kiểm tra, ông Khánh không xuất trình được giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng như các giấy tờ liên quan khác. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản đối với hành vi tổ chức tour trái phép của ông Khánh, tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của du lịch "chui" là các cá nhân, đơn vị có thể lợi dụng con đường này để thu lợi mà không phải chi trả một số khoản phí, thuế. Thêm nữa, vào mùa cao điểm du lịch, ở nhiều nơi thiếu hướng dẫn viên quốc tế, nhất là với thị trường ngoại ngữ ít thông dụng dẫn đến tình trạng sử dụng hướng dẫn viên trái phép.
Hệ quả của những hình thức du lịch "chui" này là sự tác động tiêu cực tới môi trường văn hóa du lịch cũng như hình ảnh đất nước, thương hiệu du lịch Việt Nam. Thời gian qua, không ít tour du lịch "chui", nhất là ở loại hình du lịch mạo hiểm đã gây ra nhiều tổn thất lớn, thậm chí cả về tính mạng du khách. Sự xuất hiện của những hướng dẫn viên trái phép cũng từng nhiều lần làm sai lệch các thông tin về lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam. Du lịch "chui" còn cản trở sự hoạt động của các công ty du lịch chân chính, gây thất thu ngân sách nhà nước và làm xấu bộ mặt, chất lượng chung của toàn ngành du lịch, nhất là trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện nay, các chuyến bay thương mại thường lệ đã được khôi phục, ngành du lịch được đồng ý mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3/2022 nên lượng khách du lịch nội địa và quốc tế dự kiến sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa, phần lớn lực lượng lao động du lịch phải chuyển ngành. Tình thế này càng khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ nảy sinh du lịch "chui" với việc nhiều doanh nghiệp, cá nhân không đủ năng lực vẫn sẵn sàng "làm liều"
đón khách.
Ðể bảo đảm mở cửa lại hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả và chất lượng, không cách nào khác là ngành du lịch một mặt phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và giải pháp bảo đảm đón khách an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả trong tình hình mới; mặt khác phải phối hợp các lực lượng chức năng nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động du lịch và có chế tài xử lý mạnh, quyết liệt, đủ tính răn đe nếu phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, ngành du lịch nên công khai các công ty du lịch và đội ngũ hướng dẫn viên đủ điều kiện đón khách trên phương tiện truyền thông số để du khách tiện tra cứu, đối soát; đẩy mạnh truyền thông giúp du khách nâng cao nhận thức, không tự biến mình thành nạn nhân của du lịch "chui"...
Theo TRANG ANH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm