Thời sự - Bình luận

Cảnh giác với tin đồn thất thiệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 28-3 vừa qua, không ít người dân ở TP. Pleiku đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm. Nhiều người mua không chỉ để ăn trong ngày mà còn để dành tích trữ lâu dài. Vì vậy, mới 8 giờ sáng, nhiều chợ trên địa bàn thành phố đã “cháy” mặt hàng thịt và cá. “Đục nước béo cò”, một số đối tượng đẩy giá thực phẩm lên cao. Đến ngày 29-3, nhiều phường của TP. Pleiku cúp điện dẫn đến thực phẩm trong tủ lạnh trở nên ôi thiu, trong khi hàng hóa ngoài chợ vẫn bày bán bình thường. Lúc này, không ít bà nội trợ té ngửa và tỏ ra ân hận vì trót nghe tin đồn thất thiệt.

 

Siêu thị quá tải khi người dân đổ xô mua hàng rất đông. Ảnh: Vũ Thảo
Siêu thị quá tải khi người dân đổ xô mua hàng rất đông. Ảnh: Vũ Thảo

Sở dĩ có tình trạng đổ xô đi mua thực phẩm trong ngày này là vì trước đó, UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc tạm ngừng hoạt động một số dịch vụ kinh doanh không thiết yếu để phòng-chống dịch Covid-19. Thông tin này không chỉ được các cơ quan báo chí phổ biến rộng rãi mà còn được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội. Mặc dù chỉ thị của UBND tỉnh nêu rõ là chỉ tạm dừng một số dịch vụ kinh doanh không thiết yếu nhưng không ít người “thạo tin” lại đồn thổi rằng sẽ đóng cửa chợ và trung tâm thương mại. Một đồn mười, mười đồn trăm... người dân cứ thế đổ xô ra chợ mua sắm thực phẩm về dự trữ.

Mới đây, cũng vì nghe những lời đồn thổi mà không ít người đua nhau đi mua gạo và mì tôm về cất trữ. Trong số đó có cả gia đình cán bộ, công chức, viên chức.

Tất nhiên, khi phát hiện dấu hiệu bất thường, đại diện các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp đã kịp thời lên tiếng trấn an và triển khai các biện pháp bình ổn thị trường. Nhờ vậy, đến nay, thị trường hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo nguồn cung dồi dào với giá cả bình ổn. Dẫu vậy, thiết nghĩ cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm từ sự việc vừa qua, nhất là khi công tác phòng-chống dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn với mức độ có thể cao hơn trong thời gian tới.

Trước hết, người dân cần tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do đó, mọi chủ trương, chính sách đều “khoan thư sức dân”, phục vụ cuộc sống của đông đảo người dân. Việc Chính phủ và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 cũng nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Bên cạnh phòng-chống dịch bệnh thì việc đảm bảo các điều kiện sống của người dân cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Đặc biệt, với đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì Chính phủ hoàn toàn có thể tham gia điều phối thị trường để không rơi vào khủng hoảng thừa hoặc thiếu. Vì vậy, dù trong điều kiện dịch bệnh hoành hành thì cũng sẽ không bao giờ có chuyện khan hàng, sốt giá làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo đó, người dân một mặt cần nắm thật rõ chủ trương của Chính phủ, mặt khác cần cảnh giác cao độ trước những thông tin thất thiệt do những người thiếu hiểu biết hay những kẻ có động cơ không trong sáng tạo ra.

Bên cạnh người dân thì các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cũng phải chủ động vào cuộc để những tin đồn thất thiệt không gây xáo trộn xã hội. Để làm được việc đó, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội cần chủ động tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chủ trương, chính sách được ban hành, tránh tình trạng hiểu sai lệch hoặc suy luận vô căn cứ. Đồng thời, ngành chức năng cũng cần làm tốt công tác dự báo tình hình để chủ động tham mưu giúp chính quyền kịp thời triển khai biện pháp ngăn chặn các hành vi làm ảnh hưởng đến cộng đồng.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra rất quyết liệt và có thể kéo dài trong nhiều ngày nữa. Vì vậy, ngay từ bây giờ, tất cả mọi người dân cần phải tuân thủ các quy định về cách ly toàn xã hội và cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành của Nhà nước cũng như đời sống của cộng đồng.

DUY LÊ


 

Có thể bạn quan tâm