(GLO)- Họa sĩ Cao Duy Lĩnh hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Anh tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế năm 1998-ngôi trường có chất lượng đào tạo ngành Mỹ thuật hàng đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Sau đó, anh tiếp tục bảo vệ luận văn thạc sĩ tại Thái Lan (năm 2010-2012)-đất nước có nền nghệ thuật đặc trưng pha trộn giữa tính dân tộc và hiện đại phương Tây. Lĩnh hội những phong cách, tư duy nghệ thuật khác biệt đã làm thay đổi tư duy mỹ thuật của họa sĩ gốc Quảng Trị này.
“Tây Nguyên tháng Ba” (chất liệu Acrylic, kích thước 175 cm x 250 cm)-một tác phẩm khổ lớn của họa sĩ Cao Duy Lĩnh. |
“Nhiều người chọn lối vẽ đơn giản hóa, hoặc cách điệu, mô phỏng, trừu tượng… Riêng tôi nghiêng về tả thực. Tôi quan niệm: đích đến sau cùng của nghệ thuật là để phục vụ công chúng, nên nghệ thuật phải gần gũi công chúng để họ dễ tiếp nhận, cảm thụ. Vậy nên tôi chọn cách đưa mỹ thuật đến với công chúng một cách giản dị nhất”-họa sĩ Cao Duy Lĩnh chia sẻ. Khi chọn đề tài về lễ hội dân gian của người Jrai (đây cũng là mảng sáng tác thành công, tạo nên sự khác biệt của Cao Duy Lĩnh), anh luôn cố gắng đưa trọn vẹn không gian Tây Nguyên vào trong tranh. Đó thường là không gian thoáng rộng, không cường điệu, cách điệu thái quá. Bằng cách đó, anh hy vọng sáng tác của mình có nhiều cơ hội đến với công chúng và được họ đón nhận. Ai đó nói rằng cái đẹp chính là sự đơn giản, nhưng để đơn giản được thì không dễ. Điều này có vẻ rất đúng trong trường hợp của Cao Duy Lĩnh.
Họa sĩ Cao Duy Lĩnh thành công ở mảng đề tài lễ hội và thường sáng tác trên khổ lớn. Đây là ảnh hưởng trong quá trình học tập trên đất nước Chùa Vàng. “Các giảng viên ở đây thường động viên chúng tôi sáng tác trên khổ lớn để diễn tả hết nội dung bức tranh, dù phải lao động nghệ thuật vất vả hơn nhiều. Sáng tác kiểu này cần có những phòng vẽ lớn, phải bỏ sức nhiều, khi trưng bày cũng cần không gian thật rộng để người thưởng thức tranh có thể quan sát từ xa đến gần”-anh nói. Những yêu cầu ấy biến họa sĩ thành “tên khổ sai” trước mỗi tác phẩm. Nói về cách sáng tạo này, nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu nhận xét: “Để sáng tác trên khổ lớn đòi hỏi người họa sĩ phải làm chủ được mọi thứ, không chỉ về tư duy nghệ thuật mà phương pháp cũng phải rất chắc chắn. Qua thưởng lãm tác phẩm của Cao Duy Lĩnh, có thể thấy anh đã làm được điều đó. Có lẽ do có cơ hội học tập, trau dồi ở nước ngoài nên sáng tác của Cao Duy Lĩnh cũng mang tính hiện đại, khoáng hoạt, định hình rõ ràng phong cách”.
Họa sĩ Cao Duy Lĩnh. |
Trong nhiều tác phẩm về lễ hội của người Jrai bản địa, Cao Duy Lĩnh đã làm cho người thưởng lãm như “Say trong rượu cần ngày cưới” (tên một tác phẩm của anh). Trước những bức vẽ khổ lớn với gam màu trầm ấm, người xem như “lạc” vào không gian lễ hội, bước qua sự tách biệt giữa nghệ thuật với đời thực để say sưa hòa vào vòng xoang hay cùng vít cong cần bên những ché rượu nồng đượm men thơm. Dẫu vậy, anh khiêm tốn cho rằng mình vẫn chưa thỏa mãn với những gì đã khai thác trên vùng đất của lễ hội này; nhất là có nhiều điều mới mẻ về nghệ thuật đương đại mà anh còn muốn áp dụng trong sáng tác về mảng đề tài ấp ủ bấy lâu. Anh cứ thế theo đuổi một mảng đề tài trong các sáng tác một cách tận cùng, không phân vân, không toan tính, không cần phải ngoái trước nhìn sau về con đường mình đã chọn.
Có người hỏi anh chọn đi sâu vào mảng đề tài lễ hội của người Jrai có phải vì muốn lưu giữ chút gì đó của di sản văn hóa đang mai một, Cao Duy Lĩnh đã trả lời nhẹ tênh rằng, anh vẽ chỉ vì đam mê, không hề nghĩ đến những điều to tát.
Minh Châu