Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Cạo gió và những sai lầm cần tránh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu không cẩn thận, việc cạo gió có thể gây tổn thương cho da, làm bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí dẫn đến các biến chứng

Cạo gió là một phương pháp trị liệu lâu đời trong y học cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ và thực hiện đúng phương pháp này.

Hỗ trợ hệ miễn dịch, giảm stress

Khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, hoặc gặp phải các triệu chứng cảm cúm như sổ mũi, đau đầu, hay nhức mỏi cơ thể, nhiều người thường tìm đến cạo gió như một phương pháp để giải quyết.

Cạo gió là một phương pháp chữa bệnh trong y học cổ truyền, được gọi là "biếm pháp", cùng với các phương pháp khác như châm cứu, cứu, thuốc, xoa bóp và dưỡng sinh. Cạo gió thường được áp dụng khi cơ thể có các triệu chứng cảm lạnh, sốt, đau đầu, mệt mỏi, hoặc đau nhức cơ thể.

Nhiều người cạo gió bằng cách dùng các vật dụng có cạnh nhẵn như thìa, đồng xu, hoặc rìa bát... Ảnh: HẢI YẾN

Cạo gió hoạt động bằng cách dùng các vật dụng có cạnh nhẵn (thìa, đồng xu, hoặc rìa bát) tác động lên các huyệt đạo, kinh lạc của cơ thể, giúp giải quyết các tắc nghẽn. Theo y học cổ truyền, cạo gió giúp sơ thông kinh lạc, thư cân lý khí, khu phong tán hàn, đồng thời cải thiện tuần hoàn máu và giảm căng thẳng cơ bắp. Cơ thể nhờ đó loại bỏ tà khí gây bệnh, tăng cường khả năng chống bệnh và hỗ trợ quá trình phục hồi sau khi bị ốm. Trong khi đó, theo y học hiện đại, cạo gió có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, giảm đau và giãn cơ. Cạo gió giúp tăng cường lưu lượng máu dưới da, cải thiện trao đổi chất và giảm viêm. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể hỗ trợ hệ miễn dịch và giảm stress.

Dù vậy, cạo gió cũng cần được thực hiện một cách cẩn trọng, đặc biệt đối với những người có các bệnh lý đặc biệt, để tránh biến chứng không mong muốn.

Khi nào?

Cạo gió chủ yếu được áp dụng khi cơ thể gặp các triệu chứng cảm lạnh, hay còn gọi là cảm mạo. Những triệu chứng điển hình như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, ớn lạnh, sốt nhẹ, và có rêu lưỡi trắng mỏng cho thấy cơ thể đang bị ngoại tà (phong, hàn, thấp) xâm nhập. Cạo gió sẽ giúp đẩy tà khí ra ngoài qua lỗ chân lông, đồng thời cải thiện tuần hoàn khí huyết và làm dịu các triệu chứng của cảm mạo. Nhưng trong trường hợp cảm nóng (phong nhiệt), khi người bệnh có các triệu chứng như đau họng, miệng khô, sốt cao, ra nhiều mồ hôi, và khát nước, cạo gió không phải là phương pháp điều trị thích hợp. Việc cạo gió trong tình trạng này có thể khiến bệnh tình trở nên nặng hơn, cần được điều trị bằng thuốc hạ nhiệt và thanh nhiệt cơ thể.

Ngoài ra, cạo gió còn có thể áp dụng cho các triệu chứng đau cục bộ như đau lưng, đau vai gáy, hay các vấn đề liên quan đến đau cơ, mỏi cơ do phong hàn thấp. Một số trường hợp khác như nhức đầu, chóng mặt, khó tiêu, mất ngủ, hay các di chứng của tai biến mạch máu não cũng có thể cải thiện nhờ liệu pháp cạo gió.

Cẩn trọng với người cao tuổi

Người cao tuổi và trung niên vẫn có thể cạo gió nếu không mắc các bệnh lý nghiêm trọng và có sức khỏe ổn định. Song, cần phải cẩn trọng và thực hiện bởi người có chuyên môn, để tránh gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Dù có nhiều lợi ích nhưng cạo gió không phù hợp với một số đối tượng. Cụ thể: Da quá mỏng hoặc mất độ đàn hồi; da bị nhiễm trùng; người giãn tĩnh mạch vì tác động mạnh có thể làm tình trạng giãn tĩnh mạch nặng thêm; người có bệnh lý (suy tim, suy thận, xơ gan, huyết áp); người mắc các bệnh lý về máu, giảm tiểu cầu; những người bị gãy xương hoặc mới phẫu thuật; phụ nữ mang thai; trẻ em...

Không nên lạm dụng

Việc lạm dụng cạo gió, cạo quá nhiều lần trong ngày hoặc cạo khi không có triệu chứng bệnh có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng: da bị tổn thương, tạo vết bầm tím và làm bệnh tình thêm nghiêm trọng. Cạo gió quá mức còn khiến cơ thể bị xung huyết, gây sưng đỏ, đau nhức và mất thẩm mỹ.

Nếu cần cạo gió, mỗi vùng chỉ nên cạo trong khoảng 3-5 phút, tổng thời gian cho toàn bộ liệu trình không vượt quá 10 phút. Cạo xong một vùng cần nghỉ ngơi và không thực hiện lại ngay lập tức. Các lần cạo nên cách nhau từ 3-6 ngày để vết cạo kịp tan đi. Sau khi cạo gió, cần giữ ấm và tránh gió lạnh, đặc biệt là trong mùa đông. Nên tránh quạt thổi vào người sau khi cạo. Lưu ý, dụng cụ cạo gió cần được khử trùng trước và sau khi sử dụng để tránh vi khuẩn lây lan. Sau khi cạo gió, nên ăn một bát cháo hành để giải cảm và tuyệt đối tránh ăn đồ lạnh.

Nên thực hiện vào buổi sáng

Thời gian cạo gió tốt nhất là vào buổi sáng, khi cơ thể đã nghỉ ngơi qua đêm và khí huyết lưu thông tốt. Cạo gió vào buổi sáng không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn tạo năng lượng cho cả ngày. Nếu thực hiện vào buổi tối có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

BSCK1 Lâm Nguyễn ThÙY An, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM (cơ sở 3)

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm