Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Bác sĩ chia sẻ 9 bài thuốc từ đậu phộng giúp trị nhiều bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đậu phộng được sử dụng phối hợp cùng một số nguyên liệu như táo tàu, hạt sen, mật ong... để chữa bệnh suy nhược (làm việc quá sức), lao lực, làm dịu các cơn ho, đau dạ dày...

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3) cho biết, đậu phộng rất giàu chất dinh dưỡng, cung cấp hơn 30 chất dinh dưỡng thiết yếu và dinh dưỡng thực vật. Đậu phộng là một nguồn tốt của niacin, folate, chất xơ, vitamin E, magiê và phốt pho. Đặc biệt, đậu phộng chứa hợp chất resveratrol có tính chống oxy hóa mạnh, làm tăng cholesterol tốt HDL giúp hệ tuần hoàn khỏe mạnh, máu huyết lưu thông tốt, da dẻ hồng hào.

Dưới đây là một số bài thuốc từ đậu phộng.

Chữa ho nhiều đờm

Nhân đậu phộng 30 g, nấu chín nhừ rồi trộn lẫn 30 g mật ong, ngày ăn 2 lần sẽ khỏi.

Chữa ho lâu ngày không khỏi

Nhân đậu phộng cộng với táo tàu, mật ong, mỗi thứ lấy 30 g sắc lấy nước uống, uống 2 lần/ngày.

Chữa viêm khí quản

Mỗi ngày ăn 30 g đậu phộng vào buổi sáng và buổi tối.

Trị bệnh nói khàn

Nấu 60-100 g đậu phộng rồi ăn. Ngày ăn 1 lần, nếu ăn cùng mật ong thì hiệu quả tốt hơn.

Đậu phộng rất giàu chất dinh dưỡng và là vị thuốc trong đông y

Đậu phộng rất giàu chất dinh dưỡng và là vị thuốc trong đông y

Chữa bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao

Nhân đậu phộng để cả vỏ lụa rồi ngâm trong dấm, sau đó bọc kín miệng lọ. Sau một tuần bỏ đậu ngâm ra ăn, mỗi lần ăn 10 hạt, ngày ăn 2 lần.

Lấy 125 g vỏ cứng đậu phộng (có thể nghiền vụn ra), nấu lấy nước uống, mỗi lần 10 g, ngày uống 3 lần.

Lá, thân cây đậu phộng non mỗi thứ 30 g, sắc lấy nước uống, ngày 1 thang.

Chữa bệnh thiếu máu

Nhân đậu phộng 100 g, táo tàu, đường đỏ mỗi thứ 50 g, nấu nhừ lên, ngày ăn 1 lần.

Nhân đậu phộng, đậu đỏ, đậu xanh, mỗi thứ 30 g; đường đỏ, đường trắng, đường phèn mỗi thứ 10 g rồi nấu nhừ lên, ngày ăn 1 lần.

Nhân đậu phộng, hạt sen đã bỏ vỏ và tâm sen mỗi thứ 30 g; cẩu khởi 15 g; táo tàu 9 quả, một ít đường đỏ rồi cho 300 ml nước vào nấu cách thủy cho nhừ, ngày ăn 1 - 2 lần.

Chữa loét dạ dày và hành tá tràng

Nhân đậu phộng 100 g nấu lẫn với thịt lợn hoặc trứng gà để ăn. Cũng có thể uống 2 thìa dầu lạc đã nấu vào buổi sáng, sau nửa giờ thì bắt đầu ăn sáng. Dùng như vậy trong 1 - 2 tuần liên tục là thấy có kết quả.

Chữa đi tiểu ra máu do vận động nhiều

Nhân đậu phộng, hạt sen đã bỏ vỏ cứng và tâm sen mỗi thứ 30 g. Nấu sôi xong cho lửa nhỏ hầm thật nhừ, sau đó cho 1 thìa đường vào đun tiếp, một lúc sau đem ăn, 2 ngày ăn một lần.

Vỏ bọc ngoài nhân đậu khoảng 1/2 chén nhỏ, đem rang khô rồi nghiền vụn, hòa nước uống mỗi ngày 1 - 2 lần.

Chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ

Dùng lá đậu phộng (có thể kèm cả cành) tươi 100 g hoặc 40 g cành lá khô, cho vào nồi, đổ ngập nước, đặt lên bếp đun sôi, sau đó đun nhỏ lửa thêm 10 phút nữa là được. Nước chắt ra chia thành 2 lần uống vào buổi sáng và buổi tối.

Bác sĩ Vũ lưu ý, việc dùng quá liều đậu phộng có thể gây tiêu chảy, hoặc khiến mắt, miệng, mũi bị khô, do đó cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ đông y trước khi dùng. Người vốn nhuận tràng, đại tiện lỏng do hàn thấp ứ trệ, không nên dùng độc vị (cần phối hợp với một số vị thuốc khác). Ngoài ra, cần chú ý đậu phộng bị mốc dễ gây ảnh hưởng đến gan, khi dùng cần chọn lọc kỹ.

Theo Lê Cầm (TNO)

Có thể bạn quan tâm