Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Cáo trạng lật chiêu trò "chống lưng" của ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cáo trạng VKS công bố tại tòa đã lật giở nhiều chiêu trò “chống lưng” của ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, tạo điều kiện cho đường dây đánh bạc qua mạng nghìn tỷ hoạt động.
Sáng nay 13/11, phiên xét xử vụ đánh bạc qua mạng nghìn tỷ do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu bước sang ngày thứ 2. Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ tiếp tục công bố phần còn lại của bản cáo trạng dài 235 trang. Đáng chú ý, cáo trạng cáo buộc ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, 'bảo kê' cho đường dây đánh bạc này hoạt động. Cùng với đó, kiểm sát viên cũng đã trình bày nội dung về việc Nguyễn Văn Dương khai hối lộ ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa hàng chục tỷ đồng.
Quang cảnh phiên xét xử sáng 13/11.
Quang cảnh phiên xét xử sáng 13/11.
Ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa “chống lưng” thế nào cho trùm cờ bạc?
Cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ khẳng định việc sống, còn trong vận hành game đánh bạc của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cùng đồng phạm hoàn toàn phụ thuộc quyết định vào Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục C50).
Thời điểm đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Phan Văn Vĩnh đã lợi dụng việc Bộ Công an cho phép thành lập công ty bình phong thuộc Cục C50, ký ban hành quyết định công nhận công ty CNC là công ty bình phong trái quy trình.
Mặc dù khi đó, ông Phan Văn Vĩnh là người nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc để còn có trách nhiệm đấu tranh trực tiếp và hướng dẫn cho cấp dưới. Tuy nhiên, khi nhận được báo cáo đề xuất của Nguyễn Văn Dương về việc “thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử CNC” ông Vĩnh đã bút phê đồng ý.
Ông Phan Văn Vĩnh đến phiên xét xử.
Ông Phan Văn Vĩnh đến phiên xét xử.
Cùng với đó, thời gian này Tổng cục Cảnh sát cho công ty CNC thuê chính trụ sở của mình tại số 10 Hồ Giám (Đống Đa, Hà Nội) để vận hành hệ thống đánh bạc. Không những thế, trong trụ sở của công ty CNC thời gian này còn có 1 phòng làm việc treo biển hiệu: “Bộ Công an – Cục C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng”. Điều này ngăn cản các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh. Thực tế PC50 Hà Nội đã phải ngưng việc xác minh tại trụ sở này với lý do việc xác minh sẽ ảnh hưởng tới hoạt động nghiệp vụ của cơ quan cấp trên, có thể gây ảnh hưởng về mặt chính trị của lực lượng.
Ông Phan Văn Vĩnh còn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho công ty CNC hoạt động; chỉ đạo ông Hóa ký văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an...Đặc biệt, khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện công ty CNC vận hành hai game bài đánh bạc trá hình đã yêu cầu báo cáo nhưng ông Vĩnh không chấp hành.
Phải đến khi có văn bản lần thứ hai và sau 50 ngày, ông Phan Văn Vĩnh mới chỉ đạo C50 tham mưu lập báo cáo. Tuy nhiên, báo cáo lại không đúng sự thực, cũng không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc mà còn yêu cầu cấp dưới ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép vận hành cho game bài nói trên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hóa đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới soạn thảo một số văn bản và trực tiếp tham mưu cho ông Phan Văn Vĩnh về việc thành lập công ty bình phong CNC trái với quyết định của Bộ Công an và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.
Ông Nguyễn Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Thanh Hóa.
Đồng thời, ông Hóa còn đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở C50 số 10 Hồ Giám, tạo ra rào cản đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm.
Khi biết công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, cựu Cục trưởng C50 không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao được xác minh, xử lý.
Trùm cờ bạc khai cho ông Vĩnh, ông Hóa hàng chục tỷ đồng
Cũng theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ công bố, Nguyễn Văn Dương khai, do được Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho việc đánh bạc trực tuyến trên mạng internet nên khi có được nguồn thu từ vận hành tổ chức đánh bạc, Nguyễn Văn Dương đã cho Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ Rolex trị giá 7000USD, 27 tỷ đồng; 1.750.000USD; 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan; Cho Cục Cảnh sát phòng tội phạm công nghệ cao (C50) 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD và cho Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50) 22 tỷ đồng.
Nguyễn Văn Dương cũng khai, các bữa ăn có mặt đều mang rượu đến, tổng trị giá khoảng 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Vĩnh không thừa nhận đã cầm 27 tỷ đồng và 1.750.000 USD từ Dương. Riêng về chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, ông Vĩnh khai cho biết đã trả tiền mua đồng hồ cho Dương là 1,1 tỷ đồng và chiếc đồng hồ này ông Vĩnh đã làm mất.
Nguyễn Văn Dương tại phiên xét xử.
Nguyễn Văn Dương tại phiên xét xử.
Ngoài ra, ông Vĩnh chỉ thừa nhận đã nhận của Dương 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan. Ông Vĩnh cho biết, Dương có hỗ trợ cho Tổng cục cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỷ đồng và một số bữa tiếp khách tại Tổng cục cảnh sát.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hóa chỉ thừa nhận Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus Symantec trị giá 30.000 USD. Ông Hóa không thừa nhận việc Dương cho mình 22 tỷ đồng.
 
Cơ quan điều tra đã chứng minh việc Dương cho C50 700 triệu đồng, 1 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD là có thật. Còn việc Dương cho Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa tiền, tài sản thì chưa làm rõ được nên tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau. Thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 và đoạn 2 khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, ngày 31/8/2018, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định số 02/KSĐT-P2 đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội đưa hối lộ.
Hải Ninh (Kiến Thức)

Có thể bạn quan tâm