Đô thị

Không gian sống

Cấp bách triển khai các phương án phòng-chống sạt lở bờ sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do tình trạng sạt lở đất gây ra, chính quyền các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, nhu cầu kinh phí cho các dự án phòng-chống sạt lở là rất lớn. Vì vậy, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 3.144 tỷ đồng để xây dựng 24 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách.

Ổn định nơi ở mới

Ngồi bên hiên nhà ở khu bố trí tái định cư buôn Jứ (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa), chị Rơ Lan HBiah kể về những năm tháng sống thấp thỏm bên bờ sông Ba: “Trước đây, khi mùa mưa bão đến, nước từ sông Ba dâng cao gây ngập 1-1,5 m. Nhiều đêm, cả nhà tôi phải đưa nhau chạy về các khu vực cao hơn để tránh lũ. Năm 2019, khi huyện triển khai Dự án bố trí khu tái định cư buôn Jứ, gia đình tôi liền di dời về nơi ở mới. Giờ đây, gia đình tôi không còn lo bị ngập lụt nữa”.

Trưởng thôn Nay Khúy cho biết: Buôn Jứ hiện có 337 hộ. Sau trận lũ lịch sử năm 2009, dân làng rất lo lắng. Do đó, khi Dự án bố trí khu tái định cư buôn Jứ được triển khai, bà con rất phấn khởi. Hiện nay, 90 hộ ở dọc sông Ba nằm trong diện ngập lụt nặng đã được chuyển về khu tái định cư; số còn lại được hỗ trợ nâng cao năng lực ứng phó với lụt bão và sạt lở như: hỗ trợ phao bơi, xuồng; hỗ trợ kinh phí gia cố nhà cửa, các công trình liên quan nhằm hạn chế thiệt hại do lũ quét.

Khu tái định cư buôn Jứ (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) khởi sắc rõ nét nhờ được đầu tư hạ tầng, trồng cây xanh. Ảnh: Hồng Thương

Khu tái định cư buôn Jứ (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) khởi sắc rõ nét nhờ được đầu tư hạ tầng, trồng cây xanh. Ảnh: Hồng Thương

Còn ông Nay Ham-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Broăi thì thông tin: Dự án bố trí khu tái định cư buôn Jứ được Trung ương đầu tư 22,6 tỷ đồng. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời nhà về nơi ở mới. Bên cạnh đó, huyện và xã cũng đã trồng 300 cây xanh tại các trục đường chính của khu tái định cư nhằm cải tạo cảnh quan môi trường và gần 2.000 cây xanh dọc bờ sông Ba đoạn qua buôn để phòng-chống sạt lở.

Tương tự, 96 hộ dân ở buôn Hlang và thôn Sông Ba (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) cũng phấn khởi khi được chuyển về khu tái định cư mới tại buôn Du. Chị Rơ Lan H'Vé bày tỏ: “Trước đây, khi còn ở buôn Hlang, mỗi lần trời mưa to, nước sông Ba dâng lên là cả nhà thấp thỏm lo chạy lụt. Về khu tái định cư, nhà của gia đình được xây dựng nơi cao ráo, có điện, nước sinh hoạt đầy đủ. Ngoài thuê đất trồng thuốc lá, tôi còn bán hàng tạp hóa để có thêm thu nhập”.

Những hộ dân sinh sống gần kè chống sạt lở sông Ba cạnh chân cầu Lệ Bắc (thôn Mới, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) cũng bày tỏ sự phấn khởi, yên tâm vì không phải chịu cảnh chạy lũ nữa. Ông Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ: “Mảnh đất này của gia đình tôi rộng gần 6.000 m2 nhưng bờ sông Ba bị sạt lở đã xâm lấn khiến diện tích bị thu hẹp còn khoảng 800 m2. Khi Nhà nước triển khai Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba đoạn qua chân cầu Lệ Bắc, gia đình tôi mới dám trở về xây nhà ở, chấm dứt cảnh ở trọ suốt gần 20 năm qua”.

Theo ông Hà Văn Đường-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm: Trên địa bàn xã có 2 điểm sạt lở là bờ sông Ba đoạn chân cầu Lệ Bắc và khu vực dọc sông Ba thuộc các thôn: Hlang, Sông Ba và thôn Mới. Dự án kè chống sạt lở bờ sông Ba đoạn chân cầu Lệ Bắc có tổng kinh phí 8,8 tỷ đồng của trung ương hoàn thành vào cuối tháng 8-2021 đã góp phần gia cố cầu Lệ Bắc nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông; đồng thời, cải thiện môi trường, giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

Riêng đối với các đoạn còn lại, ngoài kinh phí gần 20 tỷ đồng để tái định cư cho người dân, xã cũng đã hỗ trợ mỗi hộ 13 tháng tiền điện để bơm nước sinh hoạt. Tới đây, xã cũng sẽ phối hợp với ngành chức năng của huyện hỗ trợ người dân xây dựng nhà vệ sinh, hàng rào nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt.

Kiến nghị Trung ương hỗ trợ

Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho hay: Toàn huyện còn 13 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 22,7 km, trong đó có 2 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm là điểm từ khu vực buôn Pan đến buôn Puk (xã Ia Rsai) và khu vực từ hạ lưu cầu Lệ Bắc đến thôn Quỳnh 3, cầu Đôi, xã Chư Rcăm. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tranh thủ các nguồn lực để triển khai 3 dự án chống sạt lở và bố trí được 203 hộ dân. Hiện nay, huyện đang thi công công trình khắc phục sạt lở cầu treo Ya Hjú (xã Ia Rcăm) với tổng kinh phí 3,9 tỷ đồng.

“Huyện mong tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng nơi bố trí sắp xếp dân cư giai đoạn 2021-2025; đồng thời, xem xét hỗ trợ kinh phí để xây dựng khẩn cấp các công trình kè chống sạt lở bờ sông Ba tại các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”-ông Châu kiến nghị.

Bờ sông Ba đoạn qua thôn Quý Đức (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) bị sạt lở tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân. Ảnh: H.T

Bờ sông Ba đoạn qua thôn Quý Đức (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) bị sạt lở tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân. Ảnh: H.T

Còn ông Trần Minh Phương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa thì cho biết: Trên địa bàn huyện có 18 điểm sạt lở. Những năm qua, huyện Ia Pa đã tổ chức trồng cây dọc bờ sông suối; cắm biển cảnh báo cho người dân biết về tình trạng sạt lở, khu vực và mức độ sạt lở để phòng ngừa; bố trí cán bộ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, diễn biến sạt lở và khoanh vùng ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở khi mùa mưa lũ tới. Từ các nguồn kinh phí, huyện cũng đã triển khai một số dự án làm kè chống sạt lở đối với các vị trí đặc biệt nguy hiểm, bố trí dân cư vùng sạt lở về vùng tái định cư mới. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên cũng chưa thể hoàn chỉnh toàn tuyến.

Trao đổi với P.V, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Ngày 25-5-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1051/KH-UBND về triển khai thực hiện đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã đề ra một số giải pháp cấp bách như: kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, suối; tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông, suối bị sạt lở, bố trí tái định cư theo các hình thức tái định cư xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, suối…

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai 8 dự án, công trình phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ suối (4 dự án chuyển tiếp từ trước năm 2021); 7 dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai (4 dự án đã hoàn thành trong năm 2022 và 3 dự án đang triển khai).

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nhu cầu kinh phí cho các dự án là rất lớn. Do đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, hỗ trợ 3.144 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để xây dựng 24 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách.

Đồng thời, đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư sớm triển khai các công trình theo Quyết định số 5205/QĐ-BNN-TCTL ngày 27-12-2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Ba và vùng phụ cận giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 4325/QĐ-BNN-TCTL ngày 2-11-2018 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đồng thời tham gia cắt lũ các lưu vực sông thuộc địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm