(GLO)- Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh đã chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), góp phần làm chuyển biến nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm này.
Việc sáp nhập các đơn vị trường học, không tiếp tục ký hợp đồng với giáo viên hợp đồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tác động nhất định đến việc thực hiện một số chính sách, nhất là chính sách BHTN. Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh vừa có buổi tuyên truyền đến các thầy-cô giáo ở huyện Chư Sê về quyền lợi, trách nhiệm của người lao động trong việc thực hiện chính sách BHTN.
Lao động nộp hồ sơ tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh. Ảnh: Đ.Y |
Chị Nguyễn Hoàng Hải Anh (trước đây là giáo viên dạy hợp đồng của một trường Tiểu học tại xã Al Bá, huyện Chư Sê) cho biết: “Sau khi không được tiếp tục ký hợp đồng giảng dạy, tôi cầm quyết định nghỉ việc và sổ bảo hiểm xã hội đến nộp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh để được giải quyết chính sách. Nhưng trong 24 tháng liền kề, tôi có 6 tháng nghỉ thai sản và từ tháng 1 đến tháng 7-2017, tôi không tham gia đóng BHTN nên không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, thời gian tham gia đóng BHTN của tôi vẫn được bảo lưu và tôi sẽ tiếp tục đóng khi tìm được công việc phù hợp để lần sau, nếu lỡ thất nghiệp, tôi sẽ đủ điều kiện hưởng trợ cấp”.
Ông Nguyễn Xuân Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh-cho biết: Chính sách BHTN đi vào cuộc sống đã có những tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động và người sử dụng lao động. Chính sách này nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người thất nghiệp được học nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tìm việc làm. “Vì thế, việc phân loại từng nhóm đối tượng tuyên truyền về chính sách BHTN tại mỗi thời điểm là rất quan trọng. Qua buổi tuyên truyền, nhiều thông tin hữu ích về chính sách BHTN được đưa tới người lao động đầy đủ, rõ ràng”-ông Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh còn thực hiện tuyên truyền thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp, tọa đàm; tuyên truyền tại các cụm huyện, thị xã, thành phố; đối thoại tại doanh nghiệp để người lao động và chủ sử dụng lao động hiểu rõ hơn những quy định mới của chính sách BHTN. Hàng năm, Trung tâm cũng tổ chức tuyên truyền thông qua hoạt động sàn giao dịch việc làm hay tại các phiên giao dịch việc làm lưu động. Cùng với đó, Trung tâm cử cán bộ trực tiếp đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phát tờ rơi, tuyên truyền chính sách BHTN, trả lời những thắc mắc của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách này; tuyên truyền bằng xe lưu động, loa phát thanh, treo băng rôn, pa nô, áp phích, treo các bảng thông tin về chính sách BHTN tại các đơn vị có số lượng lao động nhiều; phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương và trung ương tuyên truyền, hướng dẫn về chính sách BHTN, thu thập thông tin tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc làm của lao động thất nghiệp... Để thực hiện hiệu quả chính sách BHTN, Trung tâm còn tổ chức mô hình “một cửa” tại điểm chính; thành lập thêm 2 điểm giao dịch BHTN ở cụm huyện Chư Sê và cụm phía Đông ở thị xã An Khê.
Chính sách BHTN có 2 đơn vị cùng thực hiện là Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh và Bảo hiểm Xã hội tỉnh. Vì thế, từ năm 2015 đến nay, 2 đơn vị đã ký kết quy chế phối hợp, tạo sự đồng thuận trong việc tuyên truyền, phổ biến và giải quyết hồ sơ, thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp, cấp thẻ BHYT cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhờ đó, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng qua các năm. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 2.185 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 102,7% so với cùng kỳ năm 2017) với tổng số tiền chi trả trên 27 tỷ đồng; 7 người được hỗ trợ học nghề và 33 người được giải quyết việc làm mới.
Bà Nguyễn Thị Bình Minh-Trưởng Bộ phận Đón tiếp-Tư vấn chính sách BHTN (Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh) cho biết: “Hầu hết lao động thất nghiệp đến Trung tâm để giải quyết chế độ thất nghiệp đều được tư vấn rất cụ thể về quyền lợi, các quy định liên quan. Trong số 2.547 người lao động tới nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHTN từ đầu năm 2018 đến nay chỉ có 12 trường hợp không đủ điều kiện. Kết quả đó là nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHTN tới các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, người lao động, chủ sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, cùng với những nội dung sửa đổi phù hợp trong các văn bản mới, góp phần tạo điều kiện để người lao động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp BHTN và các quyền lợi khác liên quan”.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách BHTN, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh cho biết: “Trung tâm kiến nghị với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sửa đổi và bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BHTN, như: mở rộng điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề, mức hỗ trợ học nghề, điều chỉnh mức đóng BHTN. Trung tâm cũng xác định đẩy mạnh cải tiến quy trình thực hiện BHTN và xây dựng các mô hình chuẩn như kết nối dữ liệu về BHTN với Bảo hiểm Xã hội tỉnh... để phục vụ tốt hơn nhu cầu của đối tượng”.
Đinh Yến