(GLO)- Từ lớp 5 đến lớp 9, tôi được các thầy cô tin tưởng giao làm Liên Đội trưởng Đội Thiếu niên tiền phong của nhà trường. Điều vinh dự nhất mà “chức vụ” này đem lại chính là điều khiển phần nghi thức chào cờ vào sáng thứ hai. Sau hồi trống chào cờ, tất cả thầy-cô giáo và học sinh cùng nhau hát vang bài Quốc ca trong tiếng trống nghi thức đầy trang nghiêm.
Tuy nhiên, sau này, trong nhiều cuộc họp hay sinh hoạt, tôi lại chứng kiến nghi thức chào cờ, hát Quốc ca được thể hiện một cách khá qua loa, đại khái và hầu hết đều sử dụng nhạc nền không lời hoặc có lời. Một vài người hát lí nhí, một số khác chỉ máy môi hát nhép, còn hầu hết đều im lặng. Cất lời hát bài ca của dân tộc bỗng nhiên trở thành việc khiên cưỡng, gượng ép và ngượng ngùng với rất nhiều người. Có một thực tế là ngày càng có nhiều người không thuộc hết lời 1, lời 2 của Quốc ca dù ngay từ bậc Tiểu học họ đều đã được học thuộc lòng. Ngại hát Quốc ca trở thành “bệnh” chung có tính lây nhiễm ngày càng “khó chữa”.
Hình ảnh các vận động viên đặt tay lên ngực trái, mắt hướng về quốc kỳ, hát vang Quốc ca với niềm tự hào vô bờ bến là điều khó quên trong lòng bạn bè thế giới. (ảnh internet) |
Ngày trước, Quốc ca theo chân những người lính trên đường hành quân ra trận, âm vang trên các chiến trường, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử... Ngày nay, Quốc ca không thể thiếu trong các nghi thức trang trọng. Khi mọi người cùng hòa điệu cũng là lúc trái tim, ý chí đều hướng về lá cờ Tổ quốc, từng câu từng chữ theo cảm xúc tuôn trào, hòa thành một hợp ca đầy hào hùng. Giờ đây, nơi người ta hát Quốc ca nhiều nhất có lẽ là trên sân vận động khi bắt đầu một trận bóng hay khi chiến thắng ở một bộ môn thể thao nào đó mang tầm khu vực và quốc tế. Báo chí quốc tế đã phải “ghen tị” trước hình ảnh 40 ngàn người hâm mộ cùng các cầu thủ hát vang Quốc ca trên sân Mỹ Đình trước trận đấu của đội tuyển Việt Nam gặp Malaysia trong vòng bảng giải đấu AFF Cup vào tháng 11 năm ngoái. Hình ảnh các vận động viên và đông đảo khán giả đặt tay lên ngực trái, mắt hướng về quốc kỳ, hát vang Quốc ca với niềm tự hào vô bờ bến là điều khó quên trong lòng bạn bè thế giới.
Quốc ca mang trong mình sứ mệnh đại diện cho sự tồn tại, nền tự chủ của một quốc gia mỗi khi được cất lên. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam cần ý thức tôn trọng bài hát trường tồn cùng lịch sử dân tộc, từ đó có cách thể hiện nghiêm túc, đúng mực hơn.
KHÔI NGUYÊN