Đinh Văn K’Rể - "cậu bé tí hon" 11 tuổi, nặng chưa đầy 4 kg ở Quảng Ngãi - vừa qua đời hôm nay 9-11. K’Rể mắc hội chứng hiếm gặp, chỉ mới ghi nhận được 100 trường hợp trên thế giới.
Ngày 9-11, tin từ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết cháu Đinh Văn K’Rể (11 tuổi; ngụ xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) vừa qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo.
"Cháu bị nhiều bệnh như viêm phổi rất nặng, di tật tim bẩm sinh trên nền rất nhiều bệnh lý... và được tiên lượng xấu sau nhiều ngày điều trị. Sáng nay, gia đình xin bệnh viện cho cháu về để được đoàn tụ cùng người nhà. Chiều nay, phía gia đình báo lại, hiện cháu đã qua đời" - một lãnh đạo Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
Đinh Văn K'Rể đi học. Ảnh: T.Trực |
Gia đình Đinh Văn K’Rể xác nhận thông tin cháu đã qua đời và đang được gia đình tổ chức an táng. Bé bị bất tỉnh khi đang ngồi học ở trường vào thứ 5 tuần qua, mọi người đưa đi cấp cứu nhưng không thể chữa khỏi.
Đinh Văn K’Rể được biết đến với biệt danh "cậu bé tí hon". K'Rể là con thứ hai của anh Đinh Văn An và chị Đinh Thị Pia, người đồng bào H'Rê. Khi chào đời em chỉ cao khoảng 1 gang tay. Đến năm 5 tuổi, K'Rể chỉ nặng 3 kg , cao 50 cm, cả ngày ăn được vài muỗng cơm. Đến năm 11 tuổi, K’Rể chỉ cao 62 cm, nặng chưa đầy 4 kg, chỉ tương đương với một đứa trẻ sơ sinh.
K'Rể cùng thầy Đặng Văn Cương. Ảnh: T.Trực |
Thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba (huyện Sơn Hà), gặp K’Rể được mẹ đặt trong một cái gùi, trong một chuyến đi vận động học sinh tới trường cách đây 5 năm.
Thời điểm K'Rể vừa đến trường năm 2015. Ảnh: T.Trực |
Thời điểm đó, cuộc sống của K’Rể vô cùng chật vật, không thể giao tiếp với mọi người bình thường. Cuộc sống gia đình của K’Rể lại khó khăn nên em không có điều kiện đi khám bệnh, chăm sóc. Cảm thương số phận bất hạnh của đứa trẻ, thầy Đặng Văn Cương đã đưa K’Rể đến trường, nuôi nấng, chăm sóc em, đưa em đi khám bệnh nhiều nơi.
Qua các đợt kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán K’Rể mắc hội chứng hiếm gặp là Seckel (người lùn, đầu chim). Căn bệnh lạ chỉ mới ghi nhận được 100 trường hợp trên thế giới.
T.Trực (NLĐO)